Sẽ có thêm chính sách tài chính hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu

PV.

Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg (ngày 31/08/2018) về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính có giải pháp giảm thời gian xem xét hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đề xuất các quy định về ưu đãi thuế thu nhập của doanh nghiệp chế biến lâm sản ở địa bàn có điều kiện khó khăn...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ thị số 25/CT-TTg được ban hành trong bối cảnh, những năm qua hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 13,5%/năm. Xuất siêu được duy trì trong cả hai năm 2016 và 2017.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu vẫn còn những hạn chế, tồn tại và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài; còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dựa vào nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, điện tử; sản xuất một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát; chất lượng nông, thủy sản chưa được đồng đều...

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường; chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng; cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu, yêu cầu, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt đối với hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tạo thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu.

Các bộ, ngành khẩn trương xem xét lại một số quy định đối với sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ giao có giải pháp giảm thời gian xem xét hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với các quy định về hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu dựa trên tỷ trọng tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trong giá thành sản phẩm; xem xét đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng miễn thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được cơ sở sản xuất đưa đi gia công tại cơ sở khác và đối với phế liệu, phế phẩm từ nguồn nhập khẩu dư thừa sau sản xuất hàng xuất khẩu, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất hàng xuất khẩu và loại hình gia công.

Đồng thời, Bộ Tài chính xem xét đề xuất các quy định về ưu đãi thuế thu nhập của doanh nghiệp chế biến lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo hướng có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chế biến lâm sản tương tự như đối với doanh nghiệp nông sản, thủy sản.

Đặc biệt, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy việc triển khai Cơ chế Một cửa Quốc gia, Cơ chế Một cửa ASEAN; rà soát, áp mã HS cho toàn bộ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhằm nâng cao tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu; Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét việc bổ sung kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại để tương xứng với kim ngạch xuất khẩu cũng như tiềm năng xuất khẩu.