Đề xuất "phao cứu sinh" giải cứu bất động sản
(Tài chính) Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIII vừa qua sau hàng loạt câu hỏi của các vị đại biểu về giải pháp “phá băng” thị trường bất động sản... Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề xuất cơ chế giải cứu bất động sản (BĐS).
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS “đóng băng” là do quá trình phát triển các dự án mang tính tự phát, theo phong trào, cơ cấu sản phẩm BĐS cũng bất hợp lý, vừa thừa lại vừa thiếu, thừa cao cấp, thiếu sản phẩm phục vụ người thu nhập thấp. Đặc biệt, có nguyên nhân không nhỏ là do vốn đầu tư BĐS chủ yếu vẫn là vốn tín dụng, vay khách hàng, còn vốn chủ sở hữu thấp, nên khi tín dụng BĐS thắt chặt thì dự án không phát triển được.
Cùng với đó, tình trạng đầu tư dàn trải của các dự án BĐS dẫn tới lượng tồn kho căn hộ rất lớn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, Hà Nội tồn kho trên 5.000 căn hộ và TP. Hồ Chí Minh tồn kho hơn 8.000 căn hộ. Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã đề nghị với Chính phủ và được Chính phủ chỉ đạo trong Chỉ thị số 2169/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường BĐS.
Trong đó, dự án nào chưa giải phóng mặt bằng thì phải dừng lại, dự án nào đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đầu tư hạ tầng thì tạm thời giãn tiến độ, dự án nào đang đầu tư hạ tầng thì phải tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tập trung để phát triển nhà ở xã hội.
Theo số liệu chưa đầy đủ của 44 tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 8/2012, thị trường BĐS đang tồn khoảng 16.000 căn hộ chung cư, trong đó hơn 8.000 căn hộ tồn kho tại TP. Hồ Chí Minh, trên 5.000 căn hộ tại Hà Nội, còn lại là ở các địa phương khác. Ngoài ra, nhà ở thấp tầng cũng tồn kho hơn 5.000 căn; đất nền 1,6 triệu m2; văn phòng, trung tâm thương mại tồn kho hơn 25.800m2. Tổng giá trị tồn kho là hơn 40.750 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Theo người đứng đầu ngành Xây dựng, giải pháp mạnh mẽ để giải cứu BĐS trước hết là quyết tâm của doanh nghiệp (DN) sau đó là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và của chính quyền địa phương.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc để chia sẻ khó khăn, động viên, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục trong đầu tư xây dựng với thời gian nhanh nhất, không phiền hà cho DN…
Cơ cấu lại các sản phẩm BĐS để phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, khuyến khích chuyển những sản phẩm BĐS thương mại sang nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền sử dụng đất và thuế. Khi DN được giảm, miễn tiền sử dụng đất, cũng chính là gián tiếp kích cầu, gián tiếp “rót” tiền hỗ trợ cho người dân mua nhà, đồng thời đây cũng là động thái hạ giá nhà xuống mức hợp lý.
Làm việc này sẽ đem lại nhiều lợi ích kép là vừa đạt được ý nghĩa kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho BĐS, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, chia đều lợi ích cho người dân mua nhà đảm bảo an sinh xã hội.
“Thị trường BĐS hiện đang ở giai đoạn khó khăn nhất, nếu càng để tình trạng này kéo dài, càng tác động xấu đến nền kinh tế càng làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu cho nền kinh tế.
Với sự quyết tâm rất cao cùng các giải pháp trên được tiến hành đồng bộ chắc chắn thị trường BĐS sẽ ấm lên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, nhấn mạnh.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11-2012