Đề xuất quy định về chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
(Tài chính) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP. So với quy định hiện nay, dự thảo đã đề xuất bổ sung 1 chương về chuyển giao doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay, các giải pháp sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (cổ phần hoá, bán, giao, chuyển đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp…) đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính nhất quán, thống nhất trong thực hiện.
Tuy nhiên, một trong những hình thức sắp xếp mới đã và đang được áp dụng bằng các quyết định cá biệt của cấp có thẩm quyền - đó là hình thức chuyển giao doanh nghiệp từ các Bộ, UBND cấp tỉnh cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và ngược lại; chuyển giao doanh nghiệp giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước lại chưa có khung pháp luật điều chỉnh.
Việc chưa có khung pháp luật quy định về chuyển giao doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo tính nhất quán, thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục; quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên; các nguyên tắc trong xử lý vốn, tài sản, công nợ, lao động… trong chuyển giao nên đã nảy sinh nhiều vấn đề trong thực hiện.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ 2006-2010 các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã đầu tư, góp vốn, thành lập nhiều doanh nghiệp không hoạt động trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động và việc thực hiện các nhiệm vụ chính được giao của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Một trong các giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu, xử lý vấn đề đầu tư ngoài ngành giúp các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính được xác định tại Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chuyển giao các doanh nghiệp do công ty mẹ trong tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn điều lệ sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp chuyển giao.
Trên thực tế, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp thành viên đã được chuyển giao giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo định hướng nêu trên. Ví dụ: EVN Telecom đã được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông quân đội; một số doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được chuyển giao sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam; trong đó, sẽ thực hiện cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên cho thấy cần pháp quy hoá bằng văn bản pháp luật về phương thức chuyển giao doanh nghiệp.
Theo dự thảo, đối tượng tiếp nhận chuyển giao doanh nghiệp là công ty mẹ có ngành nghề kinh doanh chính hoặc có liên quan chặt chẽ với cho ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với ngành nghề của doanh nghiệp được chuyển giao.
Vì vậy, tại dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bổ sung 1 chương về chuyển giao doanh nghiệp bao gồm những quy định về nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính, công nợ và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển giao doanh nghiệp; nguyên tắc giải quyết lao động và cán bộ quản lý; trình tự, thủ tục chuyển giao doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của bên tiếp nhận chuyển giao doanh nghiệp.
Trong đó, trình tự chuyển giao doanh nghiệp sẽ bao gồm 8 bước. Dự thảo nêu rõ, đại diện của doanh nghiệp sẽ phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật về việc chuyển giao doanh nghiệp và thay đổi tên (nếu có) và chủ sở hữu của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.