Đề xuất sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng đầu tư công trung hạn từ tăng thu ngân sách trung ương
Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Tại phiên họp của Quốc hội sáng 27/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các dự án đầu tư công.
Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ sau: Các dự án thuộc ngành Quốc phòng, an ninh; Các dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án xây dựng đường cao tốc trọng điểm, dự án giao thông giúp liên kết vùng, có tác động lan tỏa, giúp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; Các dự án để thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Theo đó, tổng số 26.900 tỷ đồng sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 dự kiến bố trí cho 20 dự án thuộc 04 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng: 2.000 tỷ đồng; An ninh: 4.000 tỷ đồng; Giao thông: 19.380 tỷ đồng; Cải cách tư pháp: 1.520 tỷ đồng.
Trong số bố trí nêu trên, thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 8.680 tỷ đồng dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho 06 dự án của Bộ Giao thông vận tải đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư. Nội dung này đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền.
Thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội là 18.220 tỷ đồng dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho 14 dự án (nếu tính theo phân cấp Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 giao cho 02 địa phương thực hiện thì tổng số là 15 dự án) cần báo cáo Quốc hội để bổ sung hạn mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Trong số trên, 13.700 tỷ đồng bố trí cho các dự án bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn để phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định, bao gồm: 10.200 tỷ đồng cho 04 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (mở rộng quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh cho dự án Cam Lộ - La Sơn 7.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang 1.500 tỷ đồng; Dự án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia số một của Bộ Công an 1.500 tỷ đồng; dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương của tỉnh Thừa Thiên Huế 200 tỷ đồng); 3.500 tỷ đồng cho 07 dự án khởi công mới, dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (05 dự án của Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị, xử lý rà phá bom mìn, vật liệu nổ là 2.000 tỷ đồng; 02 dự án Trụ sở Bộ Công an để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị 1.500 tỷ đồng).
Còn lại 4.520 tỷ đồng bố trí cho 04 dự án chưa cân đối đủ nguồn để phê duyệt hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm: 2.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; 2.520 tỷ đồng cho 03 dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (Dự án sân bay Gia Bình của Bộ Công an để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị là 1.000 tỷ đồng; 02 dự án của Tòa án nhân dân tối cao để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở tòa án nhân dân các cấp để thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là 1.520 tỷ đồng).
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án từ nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 đối với 04 dự án: Dự án sân bay Gia Bình, Xây dựng mới trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại 262 Đội Cấn, Dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp (giai đoạn 1), Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đoạn tỉnh Tuyên Quang, cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án căn cứ nguồn vốn và mức vốn dự kiến bố trí cho dự án từ nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023, nguồn vốn giai đoạn 2026-2030 và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) để hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Trình Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật; giữa 02 kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.