Đến lúc nợ vay tiêu dùng được rao bán
Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, đã có ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Theo các chuyên gia tài chính, việc mua bán khoản nợ vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại nếu suôn sẻ và diễn ra thường xuyên có thể kích thích thị trường mua bán nợ ở phân khúc này.
Bán nợ không có tài sản đảm bảo
Thời gian gần đây, Vietinbank liên tục thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Chẳng hạn, ngày 17/5 ngân hàng này rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị ghi sổ hơn 75,5 triệu đồng gồm gốc, lãi và lãi phạt. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất hơn 16 triệu đồng, thấp nhất chỉ hơn 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, từ khi Covid-19 tái bùng phát, công tác thu hồi nợ gặp khó khăn, thậm chí “án binh bất động”, các khoản nợ xấu rao bán cũng trở nên ế ẩm hơn.
Chẳng hạn, khoản nợ của 9 khách hàng nêu trên từng được Vietinbank rao bán với giá khởi điểm hơn 83 triệu đồng, trước khi giảm về mức 75,5 triệu đồng. Hay như một khoản nợ vay tiêu dùng nữa của nhóm 15 khách hàng cũng đã được Vietinbank rao lần thứ hai với giá giảm 15 triệu đồng so với trước đó vài ngày, còn gần 151 triệu đồng.
Trong bối cảnh các ngân hàng ồ ạt rao bán nợ xấu là các tài sản đảm bảo, nhưng thanh khoản vẫn rất èo uột, thì việc Vietinbank rao bán các khoản nợ xấu không có tài sản đảm bảo gây bất ngờ cho thị trường, bởi đây là hoạt động khá mới mẻ, thậm chí, nhiều ý kiến nghi ngại sẽ khó bán.
Trao đổi với báo giới, đại diện VietinBank cho hay đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Theo vị này, nhiều người chỉ quen với những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Trong thực tế, nhiều đơn vị có nhu cầu mua khoản nợ này, đó là những tổ chức có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ.
"Thật ra, đây không phải là những khoản nợ khó bán. Ngân hàng vẫn có thể chào bán theo hình thức thỏa thuận, nhưng chúng tôi muốn chào bán công khai để ai có nhu cầu vẫn có thể mua được, đồng thời để xóa đi tâm lý cứ khoản nợ lớn, có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý. Có nhiều biện pháp để thu hồi nợ xấu. Căn cứ vào nguồn lực, tính chất của các khoản nợ, ngân hàng sẽ lựa chọn biện pháp thu nợ phù hợp", vị này nói.
Đại diện Công ty Tài chính Fe Credit cho biết việc rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng theo quy định cũng được doanh nghiệp thực hiện thường xuyên. Đây là một nghiệp vụ trong quá trình xử lý nợ. Khi có nhu cầu thu hồi vốn cho hoạt động kinh doanh, các công ty tài chính sẽ rao bán khoản nợ vay. Dù vậy, thị trường mua bán nợ ở phân khúc này chưa thật sự nhộn nhịp.
Áp lực thu hồi nợ
Thời gian qua, phân khúc cho vay tiêu dùng được các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng được khuyến khích trong việc đẩy lùi tín dụng đen, đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết cho người dân. Tuy nhiên, đi kèm với phát triển là rủi ro nợ xấu.
Trong một báo cáo vừa công bố, dựa vào phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, các chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao đang là một mối lo ngại lớn đối với hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến đã ảnh hưởng đến nguồn thu của người dân khiến nợ xấu sẽ ra tăng. “Cùng với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng nhanh trong thời gian gần đây sẽ tạo áp lực lớn cho ngân hàng. Do đó, đẩy nhanh việc bán nợ xấu sẽ giảm rủi ro cho nhà băng”, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP OCB cho hay, Covid-19 khiến việc thu nợ của ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn.
“Hiện tại, các cán bộ đi thu nợ ở một số tỉnh phải quay về và hối thúc việc trả nợ qua điện thoại. Nhiều khách hàng có ý thức trả nợ tốt, nhưng cũng có khách hàng không trả được nợ. Trong số đó, có những cá nhân, doanh nghiệp đang thực sự rất khó khăn, không thể trả được nợ, song cũng không loại trừ những trường hợp cố tình chây ỳ. Nhìn chung, ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn về nợ xấu và thu hồi nợ trong thời gian tới”, ông Tùng chia sẻ.
Việc ngân hàng rao bán các khoản nợ cho vay tiêu dùng được luật sư Trương Thanh Đức nhận xét: "Ai cũng có thể mua khoản nợ vay tiêu dùng, vì luật chỉ cấm đòi nợ thuê chứ không cấm tự đi đòi nợ cho mình, người mua lại nợ của ngân hàng sẽ có quyền như ngân hàng là được đòi khoản nợ đó theo giá trị sổ sách. Dù vậy, đây là hiện tượng khá lạ trong lĩnh vực rao bán khoản nợ để xử lý nợ xấu".
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nợ xấu không có tài sản đảm bảo khi bán ra thị trường sẽ khó giữ được giá trị cao như các khoản nợ có tài sản đảm bảo. “Với các khoản nợ xấu là tín dụng tiêu dùng, ngân hàng chỉ bán bằng 10-20%, cao nhất chỉ khoảng 30% giá trị khoản nợ đó thì mới có người mua. Vì vậy, với những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nhóm khách hàng cá nhân vay tín chấp thấp, sẽ chọn cách tự thu có thể lâu hơn cách "mua đứt bán đoạn" nhưng có thể thu trọn số nợ gốc và lãi”, một chuyên gia cho hay.