Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới
Đó là yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
Ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới
Xác định doanh nghiệp nông nghiệp có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp (DN) có hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực này.
Nghị quyết hướng đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại...
Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm.
Đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.
Khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đặt ra các giải pháp cụ thể như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp; đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường; hoàn thiện chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nghị quyết đặt ra các giải pháp cụ thể như tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...
Cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững; hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất, tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển; khẩn trương nghiên cứu cơ chế thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định; nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nông sản.
Tôi đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, ngành nông nghiệp cần có khát vọng phát triển, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp và việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, xóa bỏ những quy định lạc hậu..."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.