Dệt may chinh phục thị trường nội địa
Tiềm năng thị trường may mặc nội địa không hề nhỏ. Minh chứng rõ nhất là các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới đã và đang gia tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Việt.
Trước thực tế đó, trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp (DN) may mặc trong nước đã tung ra các chiến lược marketing nhằm đẩy mạnh khả năng tiếp cận người tiêu dùng, tăng thị phần tiêu thụ tại sân nhà.
Chưa bắt kịp xu hướng thời trang nhanh
Liên tục nhiều năm, ngành hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng cao, kim ngạch năm sau luôn cao hơn 5% - 10% so với năm trước. Đến nay, hàng dệt may
Việt Nam xuất khẩu đã có mặt trên thị trường của gần 200 quốc gia. Trong năm 2018 vừa qua, ngành dệt may đã xuất khẩu trên 36 tỷ USD, tăng trưởng 16,1% so với năm 2017.
Mặc dù xuất khẩu tăng cao, nhưng ngay tại chính thị trường nội địa, các DN may mặc vẫn loay hoay tìm chỗ đứng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thừa nhận năm vừa qua Việt Nam đã rất thành công trong xuất khẩu (dù có khá nhiều rào cản thách thức từ các thị trường lớn), vậy nhưng kinh doanh ngay trên sân nhà lại rất khó khăn. Tăng trưởng hàng dệt may trên thị trường nội địa tại các tập đoàn lớn rất thấp, thậm chí có đơn vị thấp hơn mục tiêu đề ra.
Phân tích nguyên nhân, ông Vũ Đức Giang chỉ ra rằng, do tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong thời gian qua đã có hiệu lực, thuế nhập khẩu giảm và mở cửa thị trường bán lẻ cho nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh. Từ đó nhiều thương hiệu thời trang ngoại như Zara, H&M, Topshop, Old Navy… đổ bộ vào cạnh tranh trực tiếp với thời trang Việt.
Trong khi đó, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam chưa thực sự bắt kịp xu hướng thời trang toàn cầu. Đội ngũ các nhà thiết kế và DN vẫn phải tự thân vận động, không có các trường đào tạo đội ngũ thời trang chuyên nghiệp, chưa bắt kịp xu hướng toàn cầu…
Phân tích sâu về kỹ thuật, theo các chuyên gia, đó là trong khi nền khoa học 4.0 đã triển khai các ứng dụng vào công nghiệp dệt may thì tại Việt Nam, các ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ thiết kế 3D chỉ mới bắt đầu được đầu tư, nên chưa có sự tương thích để tạo ra thiết kế nhanh cho thị trường nội địa…
Một khó khăn khác, đó là tâm lý tiêu dùng còn “sính ngoại”. Dù chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng ở nhiều nơi, cuộc vận động này chưa được như mong muốn.
Hướng đi nào cho 2019?
Có thể nói, năm 2019, câu hỏi “Làm gì để có thể tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả” là vấn đề cấp bách đang đặt ra cho các DN trong ngành dệt may. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, có 5 yếu tố để đạt mục tiêu phát triển bền vững cho ngành may.
Cụ thể, DN phải thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Theo đó, phải xây dựng nền tảng thiết kế 3D, vì con người không thể đáp ứng được diễn biến nhanh của thị trường. Kế đến là phải xây dựng nguồn lực. Ở đây các đơn vị trong ngành phải có tư duy đào tạo năng lực, tầm nhìn thời trang, ngoại ngữ để cập nhật xu thế thời trang thế giới.
Một yếu tố khác là DN cần phải xây dựng chiến lược mạng lưới kênh phân phối. Trong đó, DN không thể bỏ qua mạng lưới phân phối truyền thống nhưng vẫn phải chú trọng thêm kênh thương mại điện tử, bởi người tiêu dùng - nhất là giới trẻ - hiện mua sắm qua thương mại điện tử nhiều. Song song đó, phải chuẩn hóa trong quan điểm tư tưởng, phương pháp phục vụ, bắt kịp xu thế thời trang… để chịu trách nhiệm đến cùng các sản phẩm, nhằm tạo tin tưởng của khách hàng.
Và cuối cùng, Nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi - dệt - nhuộm để hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất nguyên liệu vải, phục vụ ngành dệt may. Đây sẽ là cơ sở để nội địa hóa nguồn nguyên liệu vải, nền tảng để ngành dệt may chuyển đổi sản xuất từ gia công sang thiết kế và xuất khẩu sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, DN nội mới được tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký.
Mặc dù đường vào thị trường nội địa của nhiều DN dệt may còn khó khăn, nhưng cũng đã có một số DN hướng đến quyết liệt bằng nhiều giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, May Phương Đông với thương hiệu FHOUSE, tới đây sẽ thành lập công ty thương mại để xây dựng giải pháp chiến lược thương mại cho nhãn hàng này quay lại thị trường sân nhà.
Song song đó, đơn vị này còn có giải pháp phát triển thiết kế, nguyên phụ liệu, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng nội địa. Riêng với Tổng công ty 28, ngoài đầu tư máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, cũng đã chủ động mở thêm nhiều điểm bán để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm. DN này cũng rất chủ động trong việc xây dựng các điểm bán, đưa hàng vào siêu thị để tăng thị phần, tăng độ phủ sản phẩm cho người tiêu dùng nhận diện.
Bên cạnh đó, những DN vốn chỉ xuất khẩu cũng đang hướng mạnh vào thị trường nội địa; những DN nhỏ cũng tích cực hơn trong chinh phục người tiêu dùng bằng cách đầu tư cho thiết kế, tăng chất lượng sản phẩm và cơ cấu lại giá thành cho phù hợp.