Dệt may Việt Nam thoát khỏi “cái bóng” Trung Quốc
(Tài chính) Trong khi không ít quan ngại về ngành Dệt may của Việt Nam hiện đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, và rằng Trung Quốc mới là quốc gia hưởng lợi nhiều hơn nếu Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì những làn sóng đầu tư mới từ đầu năm đến nay cho thấy, dệt may trong nước đã sẵn sàng ở thế chủ động để vượt qua "cái bóng" của đối tác truyền thống này.
Từ đầu năm đến đây, số lượng các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực dệt may không chỉ tăng về số lượng mà cả về quy mô và dự báo sẽ còn nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam trong năm tới.
Theo đó, để đón đầu TPP, các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, và cả những quốc gia mới như Mỹ, Hàn Quốc đã tìm đến Việt Nam với mong muốn sẽ được hưởng lợi tối đa từ ngành Dệt may. Đây quả là một tín hiệu vui đối với ngành Dệt may Việt Nam bởi thực chất, TPP chỉ áp dụng thuế xuất khẩu 0% cho các quốc gia sử dụng nguyên liệu đầu vào từ nội địa hoặc các nước thành viên trong TPP. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp ngoại tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều sẽ giúp ngành Dệt may giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc (khoảng 60-70% nguyên liệu đầu vào của ngành Dệt may xuất xứ từ Trung Quốc).
Mới đây, tại buổi làm việc của GS., TS. Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương với bà Preeti Saran, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, hai bên đã thống nhất đưa quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước lên tầm cao mới, trong đó sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dệt may.
Theo Đại sứ Ấn Độ, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới trong xuất khẩu mặt hàng dệt may ra thị trường thế giới, song lại bị động về nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, Ấn Độ là nước lớn thứ hai trên thế giới về nguyên liệu bông, vải, sợi, các nguyên vật liệu cho dệt may. Trước thực tế hiện nay, nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam với Ấn Độ còn hạn chế, thì việc đi đến kí kết hợp tác kinh tế trong lĩnh vực này sẽ không chỉ ý nghĩa trong lĩnh vực ngoại giao mà còn mở ra cơ hội hợp tác cũng như cải thiện tình hình xuất nhập khẩu kinh tế giữa hai nước. Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Ấn Độ, ngược lại Ấn Độ sẽ nhập thành phẩm dệt may của Việt Nam.
Cũng trong tháng 6/2014, Tập đoàn dệt may DONG-IL Hàn Quốc đã động thổ khởi công nhà máy dệt sợi trên diện tích 12 ha với tổng vốn ban đầu khoảng 51,96 triệu USD tại Long Thành – Đồng Nai. Đây là nhà máy sản xuất sợi đầu tiên của Tập đoàn DONG-IL xây dựng tại Việt Nam, dự kiến sản xuất 9.000 tấn sản phẩm/năm. Theo đại diện của chủ đầu tư, Đồng Nai là địa phương của Việt Nam có vị trí địa lý rất thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất tại khu vực phía Nam, nên việc đầu tư nhà máy này sẽ tạo sự kết nối đầu tư giữa Việt Nam -Hàn Quốc. Mặc khác, một khi Việt Nam đàm phán Hiệp định TPP thành công, thì dệt may sẽ trở thành lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất.
Dự kiến, vào giữa năm 2015, khi dự án đầu tư chính thức đi vào hoạt động, khi đó TPP cũng chính thức khởi động, ngành Dệt may Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào thị trường nguồn nguyên liệu của Trung Quốc.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc nhiều doanh nghiệp dệt may nước ngoài tìm đến Việt Nam là hiệu quả mang lại trước mắt khi chúng ta tham gia vào sân chơi TPP và cũng là động lực để chúng ta rút ngắn thời gian các phiên đàm phán cuối và đi đến kí kết hợp đồng. Việt Nam sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc nữa, mà thay vào đó sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng cả về giá thành, chất lượng từ các đối tác bên ngoài. Đồng thời, cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm thêm thu nhập cho công nhân lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng những lợi thế sẵn có như nguồn lao động, những ưu đãi về chính sách thuế, đất đai…
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, với lợi thế cả về tài chính, công nghệ lẫn thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều ưu thế hơn các doanh nghiệp trong nước. Nếu không chuẩn bị tốt, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành nơi sản xuất hàng hóa, là “đối tác gia công” của những nhà đầu tư nước ngoài.Dù sao vượt qua những thách thức ban đầu, vẫn có rất nhiều kỳ vọng lạc quan bởi chúng ta không chỉ phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực dệt may, mà sự thâm nhập của những đối tác ngoại sẽ là cơ hội để ngành Dệt may hình thành chuỗi mô hình khép kín từ khâu sản xuất phụ liệt, dệt sợi, nhuộm và may thành phẩm.