Đi tìm “chìa khoá” mở “cánh cửa” tăng trưởng kinh tế 2 con số

Tiến Dũng

Ngày 7/5, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới”. Tham gia hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế… đã cùng nhau bàn thảo, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới; đề xuất giải pháp chiến lược để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức hai con số trong những năm tới.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

"Chìa khoá" tăng trưởng cao?

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo nhấn mạnh, tăng trưởng GDP 2 con số là mục tiêu đầy thách thức nhưng là yếu tố tiên quyết để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược phát triển. Muốn đạt được điều này, cần có những giải pháp đột phá thực chất, dựa trên nền tảng đổi mới mạnh mẽ về thể chế, khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đi sâu làm rõ những vấn đề cụ thể đặt ra, trọng tâm là xây dựng nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn 2026 - 2045, TS. Vũ Thành Tự Anh - Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cho biết, trên thực tế, mức tăng trưởng 2 con số không hề hiếm ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng hầu như nằm ngoài tầm với của Đông Nam Á, ngoại trừ trường hợp Singapore. Nhưng ngay cả với Đông Bắc Á, chỉ rất ít nước, trong rất ít năm, duy trì được tăng trưởng GDP bình quân trên 10% từ 10 năm trở lên. Cuối cùng, chỉ có Singapore và Hàn Quốc duy trì được tăng trưởng 10% sau khi GDP/đầu người vượt qua mức của Việt Nam hiện nay.

TS .Vũ Thành Tự Anh trình bày tham luận tại Hội thảo 
TS .Vũ Thành Tự Anh trình bày tham luận tại Hội thảo 

Dẫn chiếu từ thực tế của các quốc gia nói trên, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao 2 con số, Việt Nam cần phải coi “chuyển hoá cơ cấu” là chìa khoá. Trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính: Đó là trụ cột “Kinh tế thị trường” với kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chính, cộng hưởng với chính sách công nghiệp theo lợi thế so sánh và tận dụng triệt để lợi thế của người đi sau. Trụ cột thứ 2 là “Nhà nước kiến tạo”, trong đó năng lực nhà nước, chính sách, hành chính cao, song hành với trọng dụng nhân tài, hành chính chuyên nghiệp, cùng trách nhiệm giải trình với cấp trên và xã hội. Trụ cột thứ 3 là “Thể chế dung hợp”, trong đó cần hướng mạnh đến thượng tôn pháp luật - kiểm soát tham nhũng và cân bằng sức mạnh của nhà nước và xã hội.

TS. Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần phải có năng lực động - năng lực học hỏi, thử nghiệm, thích nghi và hợp tác giữa các bộ ngành, lĩnh vực, cấp chính quyền, qua đó hướng đến cam kết cấp cao đối với sứ mệnh phát triển, cũng như có sự nhất quán trong thiết kế chính sách, sự phối hợp giữa các công cụ và tính linh hoạt trong thực hiện.

“Nếu không có những năng lực này, các cải cách hay chính sách giàu tham vọng có nguy cơ bị phân mảnh, ngắn hạn hoặc bị các nhóm lợi ích chi phối. Chưa kể, việc tăng cường năng lực nhà nước để điều phối và quản lý ngày một phức tạp, đòi hỏi đội ngũ công chức dấn thân và liêm chính; tương thích giữa năng lực bộ máy và thể chế với tốc độ và phạm vi cải cách, đặc biệt là năng lực quản lý rủi ro địa kinh tế, địa chính trị quốc tế và vĩ mô trong nước, cân bằng tinh tế giữa quyền lực của nhà nước và năng động của xã hội”, TS. Vũ Thành Tự Anh phân tích thêm.

Đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực

Trong khi đó, nhấn mạnh đến quan điểm tháo bỏ điểm nghẽn thể chế như là một trong những yếu tố tiên quyết để có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trước hết cần rà soát tổng thể hệ thống các quy định pháp luật liên quan kinh doanh, bãi bỏ các văn bản, quy định pháp luật không phù hợp. Đặc biệt, cần bãi bỏ tất cả các quy định, các thủ tục hành chính đang cấm, hạn chế đổi mới sáng tạo, hạn chế tự do kinh doanh dưới mọi hình thức, trừ các ngành, nghề cấm kinh doanh theo luật định. Phải từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, “năng lực quản lý nhà nước đến đâu thì mở cho đầu tư kinh doanh đến đó” trong xây dựng và thực thi luật pháp luật.

Đề cao đến nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần loại bỏ cơ chế “xin - cho” và tư duy bao cấp theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính theo lối “xin - cho” - các thủ tuc hành chính với nội dung hồ sơ, điều kiện chấp thuận không rõ ràng, không cụ thể, tuỳ ý diễn giải…, trước mắt tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai, môi trường.. .Đồng thời, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển trên cơ sở bãi bõ, bổ sung sửa đổi phần lớn các quy định, thủ tục hành chính theo lối “tiền kiểm” chuyển sang hậu kiểm dựa trên mức độ rủi ro (cao, trung bình, thấp) của hàng hoá và lịch sử tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện quản lý theo KPIs..., trước hết là trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

“Luật pháp phải phát huy sức mạnh từ Nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế. Có như vậy mới thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu; có thu hút “Đại bàng” và có cả những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy hoa làm mật.”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

 

Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, Việt Nam cần thực hiện chương trình quốc gia về khởi nghiêp, phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, phải đạt được mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ cá thể đến năm 2030; và có thể gia hạn thêm; thực hiện chế độ thuế doanh thu với mức thấp hợp lý... để khuyến khích doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh tuân thủ luật pháp theo nguyên tắc càng tuân thủ đúng, càng hưởng lợi nhiều.

Có cơ chế, chính sách dành quỹ đất đủ rộng, chi phí hợp lý cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp. Bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và bảo đảm thực thi hợp đồng.

Hình thành “các điểm” thể chế đột phá vượt trội so với thông lệ quốc tế tốt, tạo động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao, bao gồm nâng cấp, mở rộng các khu công nghệ cao hiện có, và đầu tư thành lập thêm các khu mới.

Xác định các lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển trong khu như AI, robot, sản xuất bán dẫn và điện tử, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, hệ thống tự hành như drone và xe tự lái với các chỉ tiêu đo lường kết quả được định lượng cụ thể…

Các ưu đãi đột phá vượt trội so với thông lệ quốc tế tốt, có thể bao gồm: (1) Không thủ tục hành chính xin - cho, chỉ thực hiện thông báo hoặc đăng ký (nếu cần) với thời gian chỉ tính bằng giờ; (2) Tự do nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, thử nghiệm, kiểm nghiêm, sản xuất chế tạo ... trong phạm vi khu tự do đổi mới sáng tạo; (3) Chế độ ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, chế độ visa và lưu trú và các chế độ đãi ngộ khác cho pháp nhân, cá nhân và các bên liên quan khác hoạt động trong khu tự do bằng hoặc cao hơn thực tiễn quốc tế tốt như: Trung Quốc, Singapore, Israel, Hàn Quốc…