Đi tìm giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ hậu Covid-19
Mặc dù nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa tiếp cận được vốn ngân hàng vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc, trang thiết bị cơ bản là đi thuê.
Mặc dù từ đầu năm đến nay Chính phủ, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa tiếp cận được vốn ngân hàng vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc, trang thiết bị cơ bản là đi thuê, không đủ tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại không được cho vay dưới chuẩn vì vậy, tình hình tài chính của khối này lại càng rơi vào khó khăn.
Để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này.
PV: Hiện nay, lãi suất huy động và cho vay đang ở mức thấp, theo ông dư địa giảm lãi suất của các ngân hàng còn nhiều không?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Mặt bằng lãi suất như hiện tại theo tôi là phù hợp. Hiện chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát không nhiều nên phải cân nhắc đến lợi ích của người gửi tiền và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.
Muốn lãi suất giảm mạnh hơn thì lạm phát phải giảm sâu hơn nữa. Còn nếu không hạ lãi suất huy động mà vẫn phải giảm lãi suất cho vay thêm nữa thì ngân hàng khó tồn tại phát triển được vì NIM ngân hàng đã rất mỏng, ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù cá nhân tôi rất muốn lãi suất giảm thêm, song với tình hình hiện tại, tôi nghĩ là dư địa giảm lãi suất của các ngân hàng khá hạn hẹp.
Vì trên thực tế, dư địa lãi suất phụ thuộc nhiều vào lạm phát. Hiện tại tuy lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn loanh quanh 4%. Trong khi lãi suất huy động đang ở mức 5%-6%/năm tuỳ các kỳ hạn. Lãi suất cho vay chênh lệch khoảng 3% so với lãi suất huy động, dao động ở mức 9%/năm.
Ông nhận định thế nào về “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay?
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua có gần 85.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, du lịch, giao thông vận tải, bán lẻ, hàng tiêu dùng, xuất nhập khẩu. Đây là những đối tượng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Hiện nay nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Các doanh nghiệp cần vốn lưu động để duy trì tính thanh khoản bao gồm khả năng tiếp tục trả lương cho người lao động, trả tiền thuê mặt bằng, thuê đất, thuê văn phòng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho ngân hàng, trả thuế cho Chính phủ, trả bảo hiểm xã hội và trả tất cả các chi phí thường xuyên khác.
Mặc dù nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa tiếp cận được vốn ngân hàng vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc, trang thiết bị cơ bản là đi thuê, không đủ tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại không được cho vay dưới chuẩn vì vậy, tình hình tài chính của khối này lại càng rơi vào “bết bát”.
Vậy, theo ông cần có giải pháp gì để doanh nghiệp vươn lên trong thời điểm này, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Theo tôi, Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thành lập một Tổ hợp tín dụng. Tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3%-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng. Mục tiêu chính của Tổ hợp không phải là lợi nhuận, mà là hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì tác động của đại dịch COVID-19.
Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3%-3,5% hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các ngân hàng đã triển khai trước đó. Tỷ trọng tham gia sẽ được xác định khi tổ hợp được thành lập.
Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một ngân hàng thương mại đứng ra quản lý tổ hợp. Tổ hợp cũng phải có một hội đồng tín dụng duyệt xét hồ sơ vay của các doanh nghiệp. Khi hội đồng tín dụng thuận duyệt một tín dụng thì các ngân hàng sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào tổ hợp tín dụng.
Vấn đề đặt ra là lấy nguồn tiền từ đâu thưa ông?
Các ngân hàng hiện nay có thanh khoản rất tốt và trong nguồn vốn huy động có nguồn huy động lõi với lãi suất rất thấp là CASA (gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn).
CASA của hệ thống ngân hàng Việt Nam chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. ngân hàng có thể lấy nguồn đó để tham dự vào tổ hợp tín dụng, từ đó có thể cho vay ra với lãi suất rất thấp, khoảng 3%-5%/năm.
Trên thực tế, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và đã đưa ra một số gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp. Ông nhận định thế nào về việc này?
Đúng là Thông tư 01 ra đời rất kịp thời đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và cứu nguy nền kinh tế thời điểm này.
Về phía các tổ chức tín dụng cũng đã xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất huy động, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng thuộc các ngành, lĩnh vực ảnh hưởng lớn do dịch.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 28/9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 493.815 khách hàng với dư nợ 1,161 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,758 triệu tỷ đồng cho 315.272 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch.
Chính phủ cũng đã đưa ra một số gói tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế như gói 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng, gói hỗ trợ tài khóa 180.000 tỷ đồng, gói 62.000 tỷ đồng dành cho người dân gặp khó khăn do COVID-19, gói cho vay 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Những gói vay này được cho là kịp thời, đúng lúc nhưng việc thực hiện lại không hiệu quả, chưa có nhiều doanh nghiệp, người dân tiếp cận được./.
Xin cảm ơn ông!