Theo ông Masataka Sam Yoshida - Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia (RECOF Corporation), Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, thời gian qua có xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đạt số thương vụ cao nhất với 33 thương vụ với giá trị giao dịch đạt 389 triệu USD, gấp 2,8 lần so với năm 2017.

Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy sự quan tâm của các công ty Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, giữa Nhật Bản và Việt Nam có 21 giao dịch M&A công bố, chỉ đứng sau Singapore.

Cũng theo ông Yoshida, sự quan tâm từ nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam là rất lớn ngay cả trong đại dịch, việc chậm lại trong hoạt động đầu tư hoàn toàn chỉ là vấn đề về thời gian.

Xu hướng M&A của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam được dự báo sẽ sôi động còn bởi các doanh nghiệp Nhật Bản cần thị trường mới để mở rộng khi mà hầu hết các lĩnh vực ở Nhật Bản đều đã phát triển chạm trần.

Bên cạnh đó, chiến lược tăng trưởng M&A còn được hỗ trợ bởi nguồn tiền dồi dào ở Nhật Bản tích lũy trong 20 năm qua, hơn 2.345 tỷ USD, tồn tại tiền gửi ngân hàng với lãi suất 0% và số tiền này cần có nơi đầu tư để kiếm lợi nhuận. Không ít trong số đó sẽ “chảy” vào thị trường M&A.

"Tôi tin rằng, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều hơn khoản đầu tư M&A đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực do Việt Nam là địa điểm có ưu thế cạnh tranh, quốc gia thành công chống Covid-19 và GDP tăng trưởng dương so với nhiều nước khác có thể tăng trưởng âm", ông Masataka Sam Yoshida nhận định.

Còn theo ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được thông qua sẽ gián tiếp đẩy các giao dịch M&A được thông qua. Những dự án từ châu Âu qua Việt Nam nhân dịp này sẽ bùng nổ.

Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, có một yếu tố khác còn nhiều tiềm năng cũng được kỳ vọng sẽ bùng nổ đó là lĩnh vực cơ sở hạ tầng (lĩnh vực này trước đó đã bị ngừng trệ vì dịch bệnh). EVFTA sẽ bảo hộ cho các nhà đầu tư giữa các bên, giúp các doanh nghiệp có sự gắn kết đầu tư qua lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phương cho rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD. Những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế là khách quan, dựa trên những kết quả và thành công mà Việt Nam đã đạt được. Năm 2020, một năm với những thành công ấn tượng, Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được đại dịch COVID-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

“Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tiếp tục chỉ đạo xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.