Đi tìm lời giải cho việc nông sản Việt chưa được quan tâm đăng ký bảo hộ
Nếu việc đăng ký sáng chế, xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được quan tâm đầu tư thì chắc chắn sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng tăng lên. Nhưng tại sao nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp chưa mấy mặn mà?
Còn quá ít doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký bảo hộ cho sản phẩm?
Việt Nam là một nước nông nghiệp với nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu, cả nước hiện có khoảng 800 sản phẩm nông - lâm - thủy sản có uy tín, phân bố ở 720 địa phương, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ.
Trong số đó, có rất ít nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên…
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, doanh nghiệp của ông có đến 6 công ty con trực thuộc, sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản: Hạt tiêu, cà phê, điều, quế, hồi, gạo với 355 khách hàng trên toàn thế giới, trị giá 250 - 300 triệu USD/năm.
Làm ăn lớn như vậy nên ngay từ khi thành lập, Phúc Sinh đã đăng ký thương hiệu doanh nghiệp, các nhãn hiệu hàng hóa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách bài bản. Nhưng ngay sau đó, Phúc Sinh bị một doanh nghiệp khác đăng ký cùng tên và cùng ngành nghề kinh doanh, làm việc với đối tác của Phúc Sinh, gây nhầm lẫn. Nhãn hiệu hàng hóa được Phúc Sinh đăng ký cũng bị làm nhái và lấy lại được cũng vô cùng gian nan. Việc Phúc Sinh đi kiện kéo dài 5 năm, tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Nhưng ông Phan Minh Thông vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp nông nghiệp phải đăng ký bảo hộ vì rất cần thiết.
"Đăng ký đã khó, kiện bản quyền lại càng khó hơn, vô cùng gian nan và vất vả. Vấn đề bảo hộ là vô cùng khó khăn. Nhưng tôi nhận thức được việc bảo hộ thương hiệu, đăng ký thương hiệu rất quan trọng. Cho nên khi có các nhãn hiệu mới ra đời, chúng tôi làm và khuyên các doanh nghiệp khác cũng như chúng tôi là khi mở doanh nghiệp, mở nhãn hiệu mới là đăng ký ngay lập tức" - ông Phan Minh Thông chia sẻ.
Câu chuyện của Phúc Sinh không phải là hiếm, từng xảy ra với cà phê Trung Nguyên và hiện nay là với bảo hộ quyền chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phú Quốc. Thực tế hiện nay, ngoài các nông sản chủ lực của Việt Nam được thế giới biết đến cần được bảo hộ thì nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, nhiều sáng tạo trí tuệ hữu ích của các cá nhân, tập thể cũng đang rất cần được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu. Sở hữu trí tuệ là quyền của các cá nhân, tổ chức đối với tài sản trí tuệ của mình. Trong nông nghiệp, đó là quyền sở hữu một giống lúa, giống cây con được tìm thấy, được lai tạo hay một sản phẩm được chế biến.
Ông Trần Giang Khuê, phụ trách Văn phòng phía Nam của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học- Công nghệ cho biết: Việt Nam hiện chỉ có gần 1.000 bằng độc quyền sáng chế, chưa bằng sở hữu của 1 doanh nghiệp startup của Singapore, Indonesia. Vinamilk là một doanh nghiệp lớn cũng mới chỉ có 385 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và duy nhất 1 bằng độc quyền sáng chế.
Ông Khuê nói: "Với Việt Nam, khâu tạo lập đang là khâu kém nhất trong chu trình hay là đường đi của các đơn vị sở hữu tài sản trí tuệ. Tức là chúng ta đang không tích tụ được giá trị của đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, tạo ra sản phẩm mới đi đến cuối cùng là thị trường. Vì thế chúng ta chỉ xuất thô và gắn nhãn, đôi khi không cả gắn nhãn".
Hiện không phải cá nhân hay doanh nghiệp làm nông nghiệp nào cũng biết về quyền sở hữu trí tuệ, các khuyến khích của ngành chức năng trong bảo hộ nông sản. Do chưa biết đến việc bảo hộ này nên nhiều nông dân chấp nhận giữ sáng chế sản xuất của mình ở tầm ứng dụng nhỏ lẻ, tránh bị sao chép sản phẩm. Trong hơn 3 triệu nông dân đạt danh hiệu sản xuất nông nghiệp giỏi đang mong muốn có được bảo hộ sản phẩm nông nghiệp về thương hiệu, nhãn mác và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, chưa có nhiều nông hộ được quyền bảo hộ.
Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu là cần thiết
Thạc sĩ Lê Thanh Tùng, phụ trách Văn phòng phía Nam của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, riêng với giống cây trồng, việc đăng ký quyền bảo hộ là đặc biệt cần thiết khi Việt Nam đã tham gia tổ chức Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới- UPOV.
"Chúng ta đang ủng hộ tối đa cho việc bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam. Khi chúng ta thực thi đúng việc bảo hộ này thì sự cạnh tranh sòng phẳng hơn và chúng ta có nhiều lợi ích hơn cho giống cây của mình. Bảo hộ giống cây trồng góp phần cơ bản, đầu tiên trong việc sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết làm nên thương hiệu gạo Việt Nam" - Thạc sỹ Lê Thanh Tùng cho biết.
Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm dùng trong nông nghiệp là cần thiết, không chỉ để nông dân và doanh nghiệp sở hữu quyền này được bảo vệ khi có sự cố mà còn là yêu cầu của thị trường thế giới khi chúng ta hội nhập, xuất khẩu nông sản. Trước mắt, cần sự gắn kết của 4 nhà: nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học để thực hiện.
Giáo sư Tiến sỹ Võ Tòng Xuân cho rằng: "Chỉ có cách là chúng ta phải sản xuất theo chuỗi giá trị, mà trong đó có sự gắn kết thật chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. Muốn làm được như vậy thì phải có vai trò của nhà nước đứng ra cầm chịch. Làm thế nào cho nông dân gắn với nông dân trong cùng một hợp tác xã, không "bẻ chỉa" nhau, từ hợp tác xã đó gắn với doanh nghiệp cũng chặt chẽ. Còn nhà khoa học tìm ra giống mới thì đưa cho doanh nghiệp cùng nông dân sản xuất".
Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, ngay cả khi đã đăng ký bảo hộ rồi thì doanh nghiệp cũng không phải dễ dàng bảo vệ quyền được bảo hộ của mình.
Một nông dân nuôi vịt trời ở Bắc Giang mất 2 năm xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm vịt trời hay một nông dân ở TP Hồ Chí Minh mất 3 năm xin đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm ớt để xuất khẩu... là những ví dụ khiến nông dân, doanh nghiệp nản lòng. Thêm vào đó là nạn “đánh cắp” quyền sở hữu trí tuệ nông sản ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, nếu đã cần thiết thì vẫn phải làm. Nhiều chuyên gia nông nghiệp kiến nghị, khi doanh nghiệp và nông dân làm đúng quy trình sản xuất, cho ra sản phẩm nông nghiệp tốt thì ngành nông nghiệp, hội nông dân cần chủ động tìm đến, giúp họ xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nông sản.