Địa ốc: Những nghề “ăn theo”
(Tài chính) Ngành xây dựng - bất động sản (BĐS) đang đón nhận khá nhiều dư luận tích cực về tính thanh khoản lẫn giá trị đầu tư sáng sủa hơn thời kỳ trước. Diễn biến thực tế thị trường hiện tại phản ánh sự kỳ vọng có cơ sở của giới doanh nghiệp (DN) lẫn nhà quản lý về nền địa ốc sau cơn nguy kịch.
6 tháng cuối năm 2014 đánh dấu chu kỳ “đi lên” của thị trường BĐS Hà Nội. Liên tiếp những dự án được tái khởi động, bơm vốn, chuyển chủ được chủ đầu tư, giới đầu cơ và đội ngũ truyền thông chăm sóc kỹ lưỡng và trở lại thị trường.
Tháng 8, khi bàn nghị luận đang “nóng” chuyện bán nhà trên giấy, cũng như một loạt quy định về đất đai bắt đầu có hiệu lực (Nghị định 59/2014/NĐ-CP; Thông tư 78/2014/TT-BTC; Thông tư 10/2014/TT-BXD; Chỉ thị bắt đầu Tổng kiểm kê đất đai toàn quốc phải hoàn thành trước tháng 11/2015…); khách hàng mua nhà gặp cảnh bị spam tin nhắn điện thoại và email liên tiếp.
Hội chứng Spam
Đủ loại dự án thay nhau được các DN tiếp thị qua điện thoại mời chào khách hàng theo hình thức dội bom tin nhắn rác. Ở Hà Nội, những sản phẩm căn hộ mục tiêu mà dân kinh doanh marketing nhắm tới trong quy trình PR bán hàng đến từ Diamond Lê Văn Lương, Mipec Riverside Long Biên, biệt thự Anh Đào, HP Landmark Tower, Muberry Land Mỗ Lao….
Thậm chí, cả dự án tại TP. Hồ Chí Minh như khu đô thị (KĐT) mặt tiền đại lộ Võ Chí Công cũng len lỏi vào tin nhắn rác để “hành” khổ chủ. Cơ sở để các đơn vị cung cấp dịch vụ, phần mềm nhắn tin - email rác chính là kho dữ liệu “mở” được thu thập (từ nhiều nguồn) gồm các thuê bao hoạt động lâu dài, trả sau, có thanh toán hàng tháng ổn định ở mức cao…
Tháng 9, tình trạng trầm trọng tới mức các nhà mạng phải lên tiếng thể hiện trách nhiệm liên quan. Tuy vậy, câu trả lời là: “Vẫn chưa chặn được hoàn toàn” (đại diện Vinaphone cùng với Mobiphone - 2 nhà mạng gặp tình trạng khách hàng bị “tra tấn” tin nhắc rác).
Những thuê bao sử dụng Viettel được ghi nhận không bị vấn nạn Spam - thể hiện nỗ lực cụ thể hóa quyết tâm không tiếc doanh thu vài tỷ đồng mỗi ngày để “trảm” tin nhắn rác của Viettel từ cuối năm 2012.
Hiện tại, cơ quan vĩ mô đã quyết định đổi số điện thoại di động từ 11 số sang 10 số như một phương pháp hạn chế tình trạng sử dụng sim 11 số để nhắn tin rác. Tuy nhiên, vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng đang trở nên nan giải với cơ quan chức năng?! Xem ra, tin nhắn rác vẫn còn cơ hội để tiếp tục hoành hành khi BĐS tiềm năng đang… ngày càng nhiều.
Blogspot và mạo danh chủ đầu tư
Tiện ích xã hội từ mạng Internet luôn đóng vai trò thiết yếu trong marketing thị trường địa ốc. Khi Yahoo và Blog lui vào quá vãng, “dân mạng” và nhà kinh doanh đương đại chỉ còn lựa chọn Facebook, Twitter và những diễn đàn mua bán mở để tìm đường tiếp thị sản phẩm nhà đất.
Còn người làm nghề môi giới (bao gồm cả nhân viên của sàn giao dịch lẫn… tự do) lại mau mắn kết hợp loại hình blogspot - một website cho phép người dùng tạo blog miễn phí.
Không mất phí đầu tư cho hosting, thoải mái chọn tên miền (dạng xxx.blogspot.com) và đặc biệt, dễ hiển thị trên kết quả tìm kiếm của Google, đó là lý do dẫn tới tình trạng tràn lan Blogspot dự án BĐS thời gian gần đây.
Theo đại diện một văn phòng nhà đất ở đường Nguyễn Thị Định, hầu hết môi giới đều có từ 2 đến nhiều blogspot để xúc tiến bán hàng dự án tới khách mua.
Đơn cử, dự án số 4 Chính Kinh và CT1 Trung Văn thời điểm quý IV/2014, trang tìm kiếm của google trả về hầu hết là những tên miền như: chinhkinhso4.blogspot.com; chungcuct1-2trungvan.blogspot.com; chungcugiagoc24h.blogspot.com… Cá biệt, có môi giới còn post ảnh bản thân lên blog của mình để khẳng định “thương hiệu bán hàng”.
Tự PR tầm quan hệ và độ nóng của sản phẩm qua blogspot cá nhân, không bị pháp luật cấm. Nhưng một biến tướng khác mới xuất hiện là các website, mạng xã hội mạo danh chủ đầu tư để mở bán, nhận cọc dù “khổ chủ” chưa công bố giá và chào bán thị trường.
Ôtô Trường Hải - một đại gia vừa xuất hiện trong sân chơi nhà đất với KĐT Sala (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) và GP Invest - chủ đầu tư Tràng An Complex là 2 trường hợp mới nhất bị “giả danh” rao bán suất ngoại giao.
Trước đó, “suất ngoại giao” giá thấp hơn chủ đầu tư đã làm loạn người mua nhà ở các dự án trọng điểm Hà Nội như HomeCity Trung Kính, Helios Tam Trinh, Scitech Tower Hồ Tùng Mậu…
Mẫu số chung, chủ đầu tư dự án luôn phủ nhận thông tin bên lề và khẳng định chân giá trị. Còn lại, đó là cuộc chơi của dân đầu cơ, môi giới và những ai “thấy đỏ tưởng chín”.
Mô hình “lai tạp”
Đó là những website hoạt động tốt, thu hút nhiều lượt truy cập suốt thời kỳ BĐS đóng băng bằng phương thức rất sáng tạo. Điển hình, trang batdongsan.com.vn; nhadat24h.net đều đăng ký pháp nhân rất chuẩn chỉ.
Trong khi nhadat24h.net “khoe” đã đăng ký với Bộ Công Thương dưới dạng website sàn giao dịch Thương mại điện tử (của Công ty CP Tư vấn BĐS Nhà đất 24h), thì batdongsan.com.vn còn “trưng” ra một loạt giấy phép như chứng nhận ĐKKD do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp, giấy phép do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp (Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đại Việt).
Nguyên nhân chủ quan, theo nhiều khách hàng tìm mua nhà, khiến sản phẩm của Công ty Đại Việt hiện đang “ăn khách” nhất, là DN đã phối hợp giữa trang tin và “chợ mua bán hàng hóa”.
Cụ thể, giống như slogan “kênh thông tin số 1 về BĐS”, hầu hết thông tin về chính sách điều hành, những bài báo phản ánh đúng, trúng vấn đề thời sự của giới kinh doanh nhà đất đều được cập nhật liên tục trên web này.
Bên cạnh đó, phần set - up website thể hiện bài bản những công cụ giúp bất cứ ai có thể đăng tin mua bán, cho thuê, ký gửi sản phẩm nhà đất… Nhìn vào lượng quảng cáo banner lẫn tin mỗi ngày (6.000 tin), cho thấy sự thành công của DN trong phương thức khai thác, sử dụng khéo léo thông tin để “ăn theo” thị trường hiện tại.