Địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng

Ánh Dương

Nhiều địa phương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng suất, chất lượng, điển hình như tại Nam Định, Tuyên Quang.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Internet
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Internet

Cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất

Thực hiện Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 và Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ  và đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2030.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã tổ chức các lớp tập huấn về năng suất, chất lượng cho cán bộ công chức của sở quản lý chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu đã được nghe các chuyên gia về lĩnh vực nâng cao năng suất, chất lượng trình bày, chia sẻ, trao đổi thông tin tổng quan về năng suất, các yếu tố tác động và cách tiếp cận để nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp; giới thiệu một số mô hình quản lý, công cụ cải tiến thích hợp áp dụng tại doanh nghiệp.

Qua đó cung cấp các giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh bền vững trên nền tảng áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, phù hợp với đơn vị.

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể để tiến tới đạt mục tiêu chung như: Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại địa phương.

Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu đào tạo, tập huấn về năng suất, chất lượng cho trên 500 lượt người thuộc các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp; đào tạo về chuyên gia năng suất, chất lượng cho ít nhất 10 người thuộc các sở, ngành, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có 30 doanh nghiệp trở lên được hỗ trợ các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng

Thực tế triển khai tại các địa phương như Nam Định, Tuyên Quang cho thấy, dù địa phương có những hỗ trợ nhất định, song sự tham gia của các doanh nghiệp - chủ thể của hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng tại địa phương chưa chủ động, tích cực.

Nguyên nhân xuất phát từ bản thân doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của năng suất, chất lượng như yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh. Mặt khác, đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, còn yếu kém về trình độ quản lý sản xuất, nên chưa đủ tự tin áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia năng suất, chất lượng cho rằng thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp. Tập trung tuyên truyền về các mô hình điểm, doanh nghiệp điển hình trong phong trào năng suất, chất lượng, kết quả, hiệu quả triển khai các dự án năng suất, chất lượng ngành, địa phương.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng...