Dịch vụ logistics vẫn ngủ quên?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Có một nghịch lý đã được nhắc đến nhiều trên thị trường logistics là khoảng 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trong nước chia nhau vỏn vẹn 20% miếng bánh logistics, còn lại 80% thị phần thuộc về khoảng 25 doanh nghiệp logistics nước ngoài. Nguyên nhân do đâu và giải pháp nào giải quyết nghịch lý này?

Dịch vụ logistics vẫn ngủ quên?
80% thị phần logistics thuộc về khoảng 25 doanh nghiệp logistics nước ngoài. Nguồn: internet
Nhiều tồn tại

Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới về chỉ số hoạt động logistics (LPI), ngành dịch vụ logistics Việt Nam xếp thứ 48/189 nền kinh tế. Tốc độ phát triển thị trường dịch vụ logistics trung bình đạt từ 16 - 20%/năm. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics nước ta còn nhiều tồn tại. Theo Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội Nguyễn Tương, đa số các nhà cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu làm đại lý cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia trong từng hoạt động logistics. Chi phí dịch vụ còn cao, ước chiếm khoảng 25% GDP của cả nước, cao hơn so với các nước trong khu vực.

Điều 233, Luật Thương mại quy định: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ logistics”.
Mặt khác, lao động trong ngành logistics, cũng như tại các trung tâm logistics phần lớn chưa được đào tạo một cách bài bản và chính quy về các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành. Ước chỉ khoảng 5% nhân lực hoạt động trong ngành dịch vụ logistics đã qua đào tạo chuyên ngành logistics. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam chưa có nhiều trường có chuyên ngành logistics. Điều này là một rào cản không nhỏ đổi với sự phát triển ngành dịch vụ logistics. Hơn nữa, cũng do thiếu vốn tài chính và nguồn lực con người nên nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và kỹ năng quản trị hiện đại trong việc cung cấp dịch vụ logistics. Từ đó, dẫn đến niềm tin vào các doanh nghiệp logistics trong nước còn thấp.

Những nguyên nhân đã nêu kéo theo kết cục tất yếu là chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp logistics lâu nay vẫn chủ yếu tập trung vào một số hoạt động giản đơn truyền thống như mua bán cước, thu phí giao nhận, khai thuê hải quan. Chưa nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm và đủ năng lực cung cấp các dịch vụ logisitics có giá trị gia tăng cao như kho bãi, đóng gói, quản lý đơn hàng, thay mặt chủ hàng làm các thủ tục xuất nhập khẩu như khai hải quan. Đặc biệt là các dịch vụ thay mặt cho chủ hàng, bao gồm các hoạt động kiểm tra vận đơn; dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa; giám định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.
 
Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nêu nên thực tế, các doanh nghiệp logistics trong nước chỉ cung cấp được một vài dịch vụ cơ bản trong chuỗi dịch vụ logistics, những dịch vụ có giá trị gia tăng cao, những đơn hàng lớn hầu hết rơi vào tay các doanh nghiệp FDI. Ông Nguyễn Văn Thanh chỉ rõ một số bất cập như bên cạnh kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp kém, thì các quy định trọng tải cầu, đường khác nhau; rồi thủ tục thông quan còn rườm rà, mất thời gian; chi phí bôi trơn, chi phí đen, chi phí ngầm trong công tác vận chuyển còn lớn. Đặc biệt là tình trạng hạch sách, vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ. Tất cả điều này làm gia tăng chi phí và thời gian trong quá trình vận tải hàng hóa.
 
Giải pháp nào cho ngành dịch vụ logistics?
 
Có thể thấy rằng, mặc dù có nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu và vị trí cửa ngõ từ Thái Bình Dương đi Ấn Độ Dương nhưng dường như chúng ta đã để tuột mất một cơ hội phát triển ngành logistics. Để từng bước phát triển ngành dịch vụ này, trước hết là lấy lại thị phần ngay trên sân nhà, nhiều chuyên gia đề xuất, cần phải thành lập một tổ chức cấp nhà nước quản lý, chỉ đạo thống nhất các hoạt động của ngành logistics phục vụ thương mại trong cả nước; tham gia tư vấn quy hoạch và chiến lược tổng thể phát triển logistics của Việt Nam. Từ đó, góp phần hoàn thiện khung thể chế pháp lý logistics minh bạch, phù hợp xu thế phát triển logistics đương đại, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ này ở Việt Nam.
 
Việc đầu tư xây dựng ngành dịch vụ logistics cần nguồn vốn khá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương Trần Nguyên Năm cho rằng, để có thể phát triển các trung tâm logistics, cần áp dụng mô hình huy động vốn xã hội, góp vốn từ chính quyền trung ương, địa phương (dưới dạng đất đai) và doanh nghiệp; ủng hộ và hỗ trợ sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp góp vốn đầu tư hạ tầng, cùng khai thác và chuyển giao công nghệ thông tin, thương mại điện tử và liên kết hợp tác trong cung cấp các dịch vụ chuyên sâu là chuyên ngành. Đồng thời, chính quyền cũng cần có các chính sách hỗ trợ logistics phát triển thông qua quy hoạch đất đai, hạ tầng; tăng cường các quan hệ thương mại, kinh tế quốc tế và cải cách hành chính trong lĩnh vực thương mại, vận tải.

Đối với các doanh nghiệp, điều kiện tiên quyết để có thể phát triển bền vững và lớn mạnh là phải từ bỏ phương thức truyền thống, áp dụng các công nghệ mới, các quy trình tiên tiến của thế giới trong việc xây dựng và phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, có thể lựa chọn hình thức liên doanh, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để có thể học tập kỹ năng quản trị và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics, hướng đến cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics và trở thành các doanh nghiệp logistics toàn cầu, thay vì chỉ hoạt động trong nước và một vài nước quanh khu vực như hiện nay.