Điểm danh hơn 800 doanh nghiệp Nhà nước lỗ nghìn tỷ, mất an toàn tài chính
Trong đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 1.834,4 tỷ, Tổng công ty Sông Hồng - CTCP lỗ 376,3 tỷ, Công ty trách nhiệm hữ hạn Truyền hình số vệ tinh Việt Nam lỗ 349,88 tỷ…
Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo giám sát vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó nêu danh loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất an toàn tài chính.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do các bộ ngành chủ sở hữu, trong số 143 doanh nghiệp có 8 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính gồm: TCty 15, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và khoa học Trung ương, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao.
Năm đơn vị khác được chủ sở hữu đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính là: Tổng công ty Thái Sơn, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới.
Đối với nhóm các doanh nghiệp có vốn nhà nước do các bộ ngành chủ sở hữu, trong số 66 doanh nghiệp thì 7 đơn vị kinh doanh lỗ gồm: Công ty cổ phần xây lắp Tây Hồ lỗ 2,48 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3-2 lỗ 15 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Công ty cổ phần lỗ 163 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng - Công ty cổ phần lỗ 376,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ 349,88 tỷ đồng, Công ty cổ phần Dịch vụ Truyền hình Viễn thông VN (VTVBroadcom) lỗ 4,1 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 1.834,4 tỷ đồng.
Còn tại địa phương, trong số 352 doanh nghiệp 100% nhà nước do UBND các địa phương chủ sở hữu có 6 doanh nghiệp được đánh giá có dấu hiệu mất an toàn về tài chính gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam, Công ty TNHH MTV sản xuất kinh doanh TH Krông Ana, Công ty cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV Nam Nung, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương.
Có 13 doanh nghiệp được đánh giá mất an toàn về tài chính gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên, Công ty TNHH Thủy điện huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hà Tĩnh, Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam, Công ty TNHH NN MTV Khoáng sản TTH, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao, Nông trường Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hưng Yên.
Có 33/352 đơn vị kinh doanh lỗ năm 2018 với số lỗ 97.722 tỷ đồng; trong đó, các tỉnh có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lỗ là: Đắc Lăk (7/17 doanh nghiệp), Nghệ An (4/19 doanh nghiệp), Đắc Nông (3/12 doanh nghiệp).
Với doanh nghiệp tại đại phương có vốn nhà nước, trong số 271 doanh nghiệp có 41 đơn vị kinh doanh lỗ. Trong đó, một số doanh nghiệp lỗ lớn như: CTCP Cà phê Phước An lỗ 34,68 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ lỗ 24,49 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng lỗ 21,32 tỷ đồng, Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn lỗ 20,95 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm lỗ 17,87 tỷ đồng, Công ty cổ phần Mai Động lỗ 17,83 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kinh doanh và đầu tư Việt Hà lỗ 16,99 lỗ, Công ty cổ phần Du lịch An Giang lỗ 10,39 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội lỗ 10,92 tỷ đồng, …
Bộ Tài chính cũng cho biết, trước đó, theo đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có loạt văn bản cảnh báo, giám sát tài chính tại các doanh nghiệp trong tình trạng báo động như:
Năm 2017 có công văn về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 của Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam.
Năm 2018 có các công văn: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinachem; gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tình hình các dự án đầu tư đang gặp khó khăn và một số vướng mắc phát sinh tác động tới tài chính của PVN; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Gửi Bộ Giao thông vận tải về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Vinalines; Gửi Bộ Xây dựng về Báo cáo giám sát năm 2017 của Tổng công ty Sông Hồng.
Bên cạnh đó là các công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2017 cho các doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam; Gửi Bộ Công thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam về hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Giấy Việt Nam; Hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP; Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam; Gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty HUD.
Năm 2019, Bộ Tài chính cũng có các công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về kết quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước năm 2018 tại Vinachem; Công văn về hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng năm 2018 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam...