Điểm lại các sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 11/2023
Tháng 11/2023, ngành Tài chính đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.
Bộ trưởng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu
Tại phiên họp Quốc hội sáng 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trước bối cảnh nêu trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo hướng dẫn của OECD về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.
Bộ trưởng nêu rõ, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, cụ thể như: Tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 6
Tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm như: các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài sản công; giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thuế giá trị gia tăng; cổ phần hóa, thoái vốn; dự toán ngân sách năm 2024...
Bộ trưởng cho biết, trong 3 năm vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội miễn, giảm, giãn các loại thuế cũng như tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, năm 2021 giảm khoảng 132,4 nghìn tỷ đồng; năm 2022 giảm 233 nghìn tỷ đồng; dự kiến năm nay giảm khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Đề cập về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn nếu theo cả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương thì chỉ giải ngân được 52%. Theo người đứng đầu ngành Tài chính, Luật Đầu tư công cần mở rộng ra theo hướng phải đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhưng đồng thời phải đảm bảo cân đối được tài khoá.
Giải trình về vấn đề hoàn thuế, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã hoàn được 92%, đã giải quyết 14.857 hồ sơ, đang giải quyết 534 hồ sơ. Điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn giá trị gia tăng, có chứng từ chuyển tiền; đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm hợp đồng, tờ khai hải quan.
Liên quan đến nội dung quản lý tài sản công, Bộ trưởng cho rằng, việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý trong việc phát huy và sử dụng hiệu quả tài sản công. Do đó, vấn đề cần thực hiện hiện nay là nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản.
Với vai trò là cơ quan tổng hợp và quản lý nhà nước về tài sản công, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó siết chặt quản lý hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Hoa Kỳ
Từ ngày 11-17/11/2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Hoa Kỳ. Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng đã dẫn đầu Đoàn công tác cấp Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Hội nghị Thượng đỉnh APEC.
Ngày 12/11/2023, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã dự và phát biểu tại phiên họp hẹp của các Bộ trưởng Tài chính APEC. Tại phiên họp, Bộ trưởng chia sẻ, mặc dù Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn nhưng tỷ lệ nợ công vẫn được duy trì ở mức an toàn. Bên cạnh đó, dù phải đảm bảo các nhiệm vụ chi bắt buộc, nhưng Việt Nam vẫn đang cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tiếp tục tăng chi đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Do đó, Việt Nam hiện tại vẫn tạo dư địa tài khóa để sẵn sàng cho các nhiệm vụ chi có mục tiêu chiến lược quốc gia như chuyển đổi năng lượng trong các năm tới.
Ngày 13/11/2023, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 30 được tổ chức tại San Francisco, Hoa Kỳ. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã phần nào thành công trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt nhằm thích ứng với tình hình biến động trên thế giới, giúp phục hồi tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa giúp chống chọi các cú sốc từ bên ngoài, hay chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian đại dịch và quá trình phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 tại COP26 và Tuyên bố JETP trong việc huy động nguồn lực tài chính quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong nước công bằng, khả thi, hiệu quả.
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp song phương với bà Anna Bjerde - Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới; Bộ trưởng Bộ Ngân khố Australia; Quốc vụ khanh về tài chính của Nhật Bản và Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư tại Hoa Kỳ
Trong chương trình công tác tại Hoa Kỳ, ngày 14/11, tại Los Angesles, Hoa Kỳ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị tiếp xúc với các nhà đầu tư. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sự hiện diện của cộng đồng đầu tư quốc tế, các tổ chức doanh nghiệp và định chế tài chính quốc tế khẳng định sự đồng hành cùng với Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam trên chặng đường phát triển tươi sáng.
Thông qua Hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, với vị thế đầu tư chiến lược và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam vinh hạnh mời các nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt các nhà đầu tư Hoa Kỳ trở thành đối tác của Việt Nam để hiện thực hoá những triển vọng lớn lao mà Việt Nam sẵn có.
Trước đó, từ ngày 06-14/11/2023, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức tiếp xúc với các nhà đầu tư tại New York, Boston.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023
Sáng 30/11, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dự và phát biểu khai mạc.
Tham dự Diễn đàn có khoảng 300 đại biểu đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các trường đại học, viện nghiên cứu; các doanh nghiệp; các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế (EU, GIZ, BMZ, IMF, UNICEF…).
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhận định, Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước đã được phê duyệt trong Chiến lược tài chính đến năm 2030. Diễn đàn không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 gồm phiên tổng thể và 02 phiên tham luận: Phiên 1: Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Phiên 2: Chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.