Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 9/2020

PV.

Trong tháng 9/2020, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng 9/2020.

1. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23 (AFMGM+3)

Ngày 18/9/2020, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23 (AFMGM+3) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Aso Taro và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda Haruhiko.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề đến kinh tế toàn cầu và khu vực. IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm 4,9% trong khi kinh tế châu Á giảm 1,6%. Các nền kinh tế trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương chia sẻ những quan điểm, giải pháp nhằm ứng phó với bệnh dịch, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống tài chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

2. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế năm 2020

Ngày 17/9/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế thường niên nhằm đưa ra các giải pháp về y tế và tài chính phòng chống đại dịch Covid-19. Tham dự tại điểm cầu Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và một số đơn vị chức năng và đại diện ADB tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến thường niên lần thứ 53 giữa các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến thường niên lần thứ 53 giữa các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế.

Tại điểm cầu Việt Nam, chia sẻ về một số kinh nghiệm, cơ chế tài chính được sử dụng ở Việt Nam để ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Việt Nam ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên cấp y tế cở sở. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do NSNN bảo đảm là chủ yếu; khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại NSNN trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

3. Thứ trưởng Trần Xuân Hà tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2020 (AVFMM)

Tối ngày 25/9/2020, theo giờ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Trần Xuân Hà đã thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2020 (AVFMM) theo lời mời của Bộ trưởng Tài chính Malaysia - nước chủ nhà APEC năm 2020.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính tại đầu cầu Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính tại đầu cầu Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC về kiểm soát và phục hồi kinh tế do Covid-19, trong đó nhận định các khó khăn và thách thức về kinh tế vĩ mô trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do đại dịch Covid-19, hoan nghênh các giải pháp tài chính và tiền tệ ứng phó với đại dịch kịp thời của các thành viên hỗ trợ phục hồi kinh tế và kêu gọi hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp trên toàn khu vực.

4. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Bộ Tài chính

Ngày 28/9/2020, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả trong thực hiện kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, công tác hoàn thiện thể chế tài chính ngân sách, công tác huy động, phân bổ nguồn lực tài chính đạt nhiều kết quả quan trọng; đạt và vượt tỷ lệ huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng nguyên tắc; tăng dần chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, giảm dần chi thường xuyên; tỷ lệ bội chi, nợ công đều đảm bảo nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính đạt được kết quả vượt bậc được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận và đánh giá cao. “Bộ Tài chính với vị trí và vai trò được các cấp có thẩm quyền giao đã thực hiện tốt kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2020.”- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

5. Bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia và bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia

Sáng ngày 15/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia và Nghị quyết về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo các Nghị quyết.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo các Nghị quyết.

Theo đó, bổ sung 274 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho Bộ Tài chính để mua bù tổng số 23.000 tấn gạo đã xuất cấp nêu trên là đúng quy định và bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia.

6. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn chiếm đoạt tiền thuế

Chiều ngày 24/9/2020, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 2 tập thể và 6 cá nhân thuộc Công an tỉnh Phú Thọ và Cục Thuế Phú Thọ về thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn việc chiếm đoạt tiền thuế. Tham dự có Thiếu tướng Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Phó Chủ tịch UBND Phú Thọ Phan Trọng Tấn; cùng đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế, lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn chiếm đoạt tiền thuế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, ngăn chặn chiếm đoạt tiền thuế.

Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, đây là vụ án có tính chất phức tạp, quy mô và mức độ vi phạm có tính chất nghiêm trọng với số lượng hóa đơn và giá trị hàng hóa mua bán theo các hóa đơn khống rất lớn và được mua bán qua nhiều khâu trung gian.

Bộ trưởng cho rằng đây là chiến công lớn trong phòng chống tội phạm, góp phần nâng cao ý thức pháp luật về thuế. Bộ Tài chính cảm ơn sự phối hợp của Bộ Công an trong công tác phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế.

7. Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu khối các bộ, cơ quan ngang bộ về ứng dụng công nghệ thông tin

Đó là kết quả xếp hạng tại Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2019 do Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố.

Theo kết quả Báo cáo được công bố, về xếp hạng chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019, Bộ Tài chính dẫn đầu với chỉ số 0,9291. Đứng ở các vị trí tiếp theo trong lần lượt là Bộ Công Thương (0,8914), Bộ Thông tin và Truyền thông (0,8642), Bộ Y tế (0,8639) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (0,8598).

8. Hệ thống một cửa quốc gia và quản lý giám sát hải quan tự động chính thức vận hành tại Nội Bài

Ngày 29/9/2020, Tổng cục Hải quan tổ chức công bố triển khai hệ thống một cửa quốc gia đối với tàu bay nhập cảnh và hệ thống quản lý giám sát tự động hàng hóa nhập khẩu đường hàng không tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội).

Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan bấm nút khai trương hệ thống.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan bấm nút khai trương hệ thống.

Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, hệ thống một cửa quốc gia đối với tàu bay nhập cảnh và hệ thống quản lý giám sát tự động hàng hóa nhập khẩu đường hàng không tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra, đạt được nhiều kết quả và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 29/9/2020.

9. Trình Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Ngày 16/9/2020, Bộ Tài chính có Tờ trình số 164/TTr-BTC trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại buổi họp báo về Đề án.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại buổi họp báo về Đề án.

Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung cải cách sẽ góp phần cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của đề án nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, đề án đưa ra mô hình cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức...

10. Bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chi giữ chức Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước

Sáng ngày 28/9/2020, tại Hà Nội, Kho bạc Nhà nước tổ chức Hội nghị công bố quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trao quyết định cho tân Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trao quyết định cho tân Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi.

Theo đó, tại Quyết định số 1456/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc tiếp nhận, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước từ ngày 24/9/2020.

Ông Nguyễn Đức Chi sinh năm 1970, quê quán Hà Nội, có trình độ thạc sỹ kinh tế. Ông Nguyễn Đức Chi từng đảm nhiệm các vị trí công tác như: Chuyên viên Kho bạc Nhà nước; Chuyên viên Vụ Chính sách tài chính (Bộ Tài chính); Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính); Chánh Văn phòng Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC.