Điểm mặt những vụ rửa tiền ở Việt Nam
Lợi dụng bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã trở thành đích nhắm của tội phạm quốc tế để thực hiện hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, hành vi rửa tiền chỉ xuất hiện khá rõ nét trong những năm gần đây thông qua các phương thức, thủ đoạn như: đầu tư mở tài khoản, kinh doanh chứng khoán, đánh bạc, chuyển ngoại hối trái phép ra nước ngoài, sử dụng thẻ tín dụng…
Nhìn lại những vụ việc, phương thức rửa tiền ở Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua có thể tựu chung lại 4 phương thức rửa tiền chủ yếu sau: Rửa tiền thông qua việc đầu tư hoặc mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại; Rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán; Rửa tiền thông qua đánh bạc; Rửa tiền thông qua hoạt động chuyển hối trái phép (Theo nghiên cứu của Lê Thị Mận và Nguyễn Thanh Giang, tháng 11/2015).
Thứ nhất, rửa tiền thông qua việc đầu tư hoặc mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại.
- Năm 2005, Công an Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước (năm 2006 là Cục phòng chống rửa tiền) đã ngăn chặn giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động rửa tiền khi nhận được thông tin từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền.
- Hành vi chuyển tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam khá phổ biến. Đặc biệt, một số đối tượng băng nhóm tội phạm người gốc Phi vào Việt Nam sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để đồng bọn ở nước ngoài chuyển tiền vào, sau đó rút hết tiền trong các tài khoản này.
Từ tháng 4/2004 đến tháng 7/2006, các cơ quan chức năng đã phát hiện James Edmund Corbett (Công dân Australia, tạm trú tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) có dấu hiệu bất thường, nghi vấn là rửa tiền. James E. Corbett đã mở tài khoản vãng lai USD tại một số ngân hàng thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, thông qua các tài khoản này, đã nhận hơn 3,2 triệu USD từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam, sau đó lần lượt chuyển cho một số công ty ở Việt Nam và ở nước ngoài.
- Tháng 10/2008, Công an Đà Nẵng phát hiện 2 thủ phạm là Baggio Carlios Linska và Massamba Lendebe Vis (Quốc tịch Mozambique) khi bọn chúng đến một chi nhánh của ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc 2 tài khoản. Ngay sau khi mở được tài khoản, lập tức có 4,1 tỷ đồng được chuyển vào và tức tốc chúng làm thủ tục để rút tiền.
Công an Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ Linska và Massamba Lendebe Vis. Riêng tên Niaty Lokasso Djamba (quốc tịch Công gô), người đã mở tài khoản và được chuyển số tiền hơn 3,34 tỷ đồng tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã tẩu thoát…
Thứ hai, rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán.
Rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán là dễ dàng và phổ biến, do đặc thù của chứng khoán là mọi người đều có quyền mua đi bán lại cổ phiếu để tái đầu tư trong khi giá cổ phiếu lại lên xuống thất thường.
Theo Lê Thị Mận và Nguyễn Thanh Giang, kinh doanh chứng khoán cũng dễ rửa tiền nhưng các chuyên gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và các quản lý chức vụ của Bộ Công an Việt Nam và Cục Phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện được vụ nào.
Thứ ba, rửa tiền thông qua đánh bạc.
Việc rửa tiền thông qua đánh bạc cũng là phương pháp rửa tiền của bọn tội phạm, các vụ điển hình tại Việt Nam trong những năm gần đây như:
- Ngày 14/3/2013, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt quả tang vụ đánh gạc tại lán tre thuộc xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giữ 68 đối tượng. Đây là vụ đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa có tổ chức, quy mô lớn nhất miền Bắc. Các bị cáo bị nhận các mức án từ tù treo cho tới 54 tháng tù giam.
- Ngày 27/5/2014, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc (dưới hình thức thầu đề) rất lớn tại 14 điểm của đường dây thầu đề liên quận tới nhiều quận (Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận…) 28 đối tượng đã bị bắt giữ cùng với nhiều tang vật. Phương thức hoạt động của các đối tượng là nhận các phơi đề từ đại lý gửi về qua máy fax và chi trả qua thẻ ATM của 3 ngân hàng thương mại khác nhau, giao dịch có lúc đến hàng tỷ đồng/ngày…
Thứ tư, rửa tiền thông qua hoạt động chuyển hối trái phép.
Hoạt động chuyển hối trái phép cũng chính là hành vi rửa tiền. Theo thống kê của ngành Hải quan, từ đầu năm đến 15/11/2014, các đơn vị hải quan đã bắt giữ, xử lý 10 vụ mang ngoại tệ, vàng vượt định mức không khai báo với số tiền vi phạm hơn 57.000 USD, 880 triệu đồng và 105 lượng vàng.