“Hé lộ” ba công đoạn rửa tiền qua ngân hàng

PV.

Đưa tiền bất hợp pháp vào lưu chuyển trong hệ thống kinh tế tài chính; tích tụ và quay vòng các khoản tiền sau khi “sắp xếp” tiền thâm nhập vào hệ thống tài chính; Đầu tư hợp pháp, gọi tắt là “hoà nhập, là ba công đoạn rửa tiền qua ngân hàng phổ biến của bọn tội phạm hiện nay. Đây là những thủ đoạn rửa tiền tinh vi của bọn tội phạm trong hệ thống tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, các công đoạn rửa tiền được triển khai thực hiện chủ yếu như sau:

- Công đoạn 1: Đưa tiền bất hợp pháp vào lưu chuyển trong hệ thống kinh tế tài chính, hay nói cách khác là gửi tiền. Đây là thao tác đầu tiên của hoạt động rửa tiền, nhằm chuyển đổi các khoản tiền do phạm tội mà có sang các hình thức hợp pháp khác và đưa vào các chu trình kinh tế tài chính.

Giai đoạn này được coi là khó khăn nhất đối với bọn tội phạm vì tiền và tài sản có được là bất hợp pháp và đang được cơ quan điều tra theo dõi. Hơn nữa, các cơ quan chức năng đặt ra các quy chế, quy định pháp luật để “bắt thóp” bọn tội phạm rửa tiền, ví dụ như quy định lượng tiền mặt được đưa qua biên giới, được phép thanh toán, các quy định về khai báo ngân hàng.

- Công đoạn 2: Quá trình tích tụ và quay vòng các khoản tiền sau khi chúng đã thâm nhập hệ thống tài chính, hay nói cách khác khoản tiền đã chuyển dịch và sắp xếp. Trong công đoạn này, hàng nghìn thao tác nghiệp vụ được thực hiện làm cho đồng tiền chuyển dịch khắp nơi, quay vòng nhiều lần để xoá đi dấu vết tội phạm, cắt đứt một cách “giả tạo” mối liên hệ giữa tài sản và tổ chức tội phạm.

Quốc gia nào có hệ thống Luật Doanh nghiệp càng thông thoáng càng dễ bị lợi dụng thông qua việc thành lập công ty “ma”. Ở Việt Nam, tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng thành lập doanh nghiệp “ma” chủ yếu để mua bán hóa đơn, còn phục vụ cho mục đích rửa tiền còn ít.

Các giao dịch tài chính tinh vi như tham gia vào thị trường tài chính thứ cấp gắn liền với việc sử dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến như internet banking cũng gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

- Công đoạn 3: Đầu tư hợp pháp. Ở công đoạn này, bọn tội phạm sử dụng tiền, tài sản đã được tẩy rửa để đầu tư một cách hợp pháp vào hoạt động sản xuất kinh doanh dưới các hình thức như vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các khoản vay cá nhân, cổ phiếu, tín phiếu, bất động sản...

Việc đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ làm gia tăng giá trị đồng tiền phạm tội, trộn lẫn đồng tiền hợp pháp và bất hợp pháp, đây cũng là công đoạn khó khăn để có thể xác định hành vi cấu thành tội phạm.

Qua nghiên cứu cho thấy, hoạt động rửa tiền qua ngân hàng của bọn tội phạm rất đa dạng, phức tạp và được triển khai thực hiện qua nhiều công đoạn. Vì vậy, vấn đề phòng chống rửa tiền không chỉ là hoạt động riêng của bất kỳ ngân hàng nào mà là sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, giữa ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại và giữa các phòng ban trong nội bộ ngân hàng thương mại.

Để phòng chống rửa tiền có hiệu quả, các quốc gia đã hình thành trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền trực thuộc Chính phủ quản lý. Nếu có những giao dịch đáng ngờ, thông tin sẽ được báo về trung tâm này, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với nhau để xử lý.

Chính vì vậy, để công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam qua hoạt động ngân hàng một cách hiệu quả cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), an ninh kinh tế trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền theo quy định của pháp luật; tổ chức tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý, lưu giữ, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến rửa tiền đồng thời chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để thanh tra, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi liên quan đến hoạt động rửa tiền qua ngân hàng.