Hiểu thế nào cho đúng về rửa tiền?
Rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là vấn nạn làm cả thế giới đau đầu với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Rửa tiền không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh về lưu thông tiền tệ của một quốc gia, mà còn làm giảm giá trị của nội tệ, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc nâng cao nhận thức về rửa tiền là việc làm cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Theo nghiên cứu của Lê Thị Mận và Nguyễn Thanh Giang năm 2015, rửa tiền có thể được hiểu theo cách sau:
(i) Rửa tiền là hành động chuyển lợi nhuận thu được từ những hoạt động phạm pháp sang lợi nhuận hợp pháp.
(ii) Rửa tiền là “chuyển trốn tư bản” hay còn gọi là “vốn bay” (flight capital). Flight capital là vốn được rút một cách cấp tốc khỏi một nước. Rửa tiền còn được hiểu là “tiền nóng” là tiền được chuyển từ một địa điểm này đến một địa điểm khác có thể do sự lo ngại về các chính sách của Chính phủ, hoặc do sự mất lòng tin vào chính phủ khi tại nước đó xảy ra những biến động về kinh tế, chính trị.
Liên quan trực tiếp việc rửa tiền, đó là Smurfing (Smurf), Smurf là những nhân vật giúp chuyển tiền từ một tổ chức này sang tổ chức khác, hoặc từ quốc gia này sang quốc gia khác. Hoạt động của các Smurf thường liên quan đến người cầm đầu, gọi là Papa Smurf, người trực tiếp chỉ đạo các Smurf gửi tiền thu được từ buôn bán ma túy tại các ngân hàng với số lượng nhỏ hơn số lượng tối thiểu mà các tổ chức tài chính được yêu cầu phải báo cáo.
(iii) Theo Khoản 1, Điều 4 Chương 1, Luật Phòng chống rửa tiền (tháng 7/2012/QH13), rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Hoạt động rửa tiền không chỉ xảy ra ở các quốc gia có Luật Bí mật ngân hàng; có những quy định về tài chính, luật pháp lỏng lẻo; các quan chức, nhân viên của các tổ chức tín dụng dễ bị mua chuộc… mà rửa tiền còn thường xuyên xảy ra tại các quốc gia có Luật Phòng chống rửa tiền cực kỳ nghiêm ngặt như Mỹ và Anh.
Bên cạnh những vấn đề về khung lý thuyết rửa tiền ở trên, nghiên cứu của Lê Thị Mận và Nguyễn Thanh Giang năm 2015 cũng cho rằng, phòng, chống rửa tiền phải thực hiện theo nguyên tắc và chính sách của nhà nước.
Cụ thể, về nguyên tắc phòng chống rửa tiền: Cần thực hiện theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo đảm hoạt động bình thường về kinh tế, đầu tư; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của tổ chức; cá nhân; chống lạm quyền, lợi dụng việc phòng chống rửa tiền để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Các biện pháp phòng chống rửa tiền phải được thực hiện đồng bộ, kịp thời; các hành vi rửa tiền phải được xử lý nghiêm minh theo Khoản 1, Điều 5, Chương 1, Luật số 07/2012/QH13.
Về chính sách của Nhà nước về rửa tiền: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng chống rửa tiền; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống rửa tiền; Ban hành chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền; Tổ chức cá nhân có thành tích trong công tác phòng chống rửa tiền được Nhà nước khen thưởng theo Khoản 1, Điều 6, Chương 1, Luật số 07/2012/QH13.
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng, rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội.
Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.
Còn theo FATF, rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội.
Như vậy, với cách tiếp cận về rửa tiền ở trên cho thấy, chúng ta cần nâng cao nhận thức hơn nữa về hoạt động rửa tiền, từ đó có các biện pháp hữu hiệu đề phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi rửa tiền.