Điểm mặt tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT
Trong thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được phanh phui và đưa ra xử lý trước pháp luật, giúp tăng cường đảm bảo an sinh xã hội và từng bước tạo niềm tin cho nhân dân.
Lạm dụng, trục lợi gia tăng
Theo báo cáo đánh giá của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, trong 05 năm 2012-2017, BHXH các tỉnh, thành phối hợp với Công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương đã thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị.
Qua đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng, vi phạm theo quy mô từ nhỏ đến lớn: Yêu cầu chủ sử dụng lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho 4.812 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH; thực hiện khắc phục tiền nợ và truy thu (gồm cả tiền lãi chậm đóng) với số tiền là 576.073 triệu đồng; yêu cầu truy thu 17.043 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) và tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH; yêu cầu thu hồi, xuất toán 48.861 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Trong quá trình triển khai đôn đốc thu hồi số tiền do thanh tra, kiểm tra và phát hiện trục lợi, kết quả số tiền đã khắc phục nợ là 252.797 triệu đồng; thu hồi được số tiền 6.447 triệu đồng tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT, tiền chi sai do lạm dụng các chế độ BHXH và số tiền 3.134 triệu đồng do chi sai, lạm dụng các chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Cơ quan BHXH và cơ quan công an địa phương đã thực hiện, xử lý 76 trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua đó thu hồi 771 triệu đồng. Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các ngành và công an địa phương thực hiện khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động ra tòa án do nợ tiền đóng BHXH kéo dài.
Qua 05 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa 2 ngành BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát, công tác phối hợp điều tra tội phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện bài bản, có nhiều biện pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ chính sách cho thấy, tình trạng lạm dụng, trục lợi với nhiều hình thức, mức độ khác nhau với chiều hướng ngày càng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp…
Phương thức và thủ đoạn tinh vi
TP. Hồ Chí Minh là địa phương tập trung đông DN, người lao động và người dân nhất nước, nên cũng là nơi phát sinh nhiều trường hợp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Trong 5 năm qua, nhiều vụ việc vi phạm nổi cộm đã bị Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra làm rõ như: Một số cá nhân phối hợp, tổ chức chiếm đoạt tiền trợ cấp thai sản và trợ cấp BHXH một lần với số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
BHXH và công an các địa phương khác cũng đã phát hiện một số đối tượng làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc, giấy khai sinh, giấy ra viện... để đề nghị cơ quan BHXH thanh toán các chế độ BHXH.
Tại Quảng Ninh, có trường hợp nhân viên đại lý thu BHYT đã sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT cũ đã hết hạn, rồi in đè hạn sử dụng mới để thu và chiếm đoạt trên 300 triệu đồng của người dân… Tại Kiên Giang có 4 bị can là nhân viên bệnh viện và nhân viên của một DN đã bị khởi tố do đã móc nối dùng danh sách mã thẻ BHYT của công nhân có tham gia BHYT để lấy thuốc và thanh toán chi phí khám chữa bệnh với số tiền 185 triệu đồng.
Tại Cần Thơ, có DN lập thủ tục tuyển lao động là phụ nữ mang thai, không làm việc tại đơn vị nhưng đăng ký đóng BHXH, sau đó, lập hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản nhằm trục lợi BHXH.
Tại Hải Dương, nhân viên nhân sự và kế toán của một DN cấu kết lập khống 36 hồ sơ, làm giả 44 hồ sơ thanh quyết toán chế độ trợ cấp thai sản tại cơ quan BHXH để chiếm đoạt số tiền 867 triệu đồng.
Theo BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT dự báo vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, BHXH và công an các cấp sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc nâng cao trách nhiệm phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.