Điểm mới về chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ
Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2019, áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019, Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ được kỳ vọng khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động thuận lợi, hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Bài viết trao đổi về những điểm mới đáng chú ý mà các doanh nghiệp siêu nhỏ cần lưu ý trong quá trình thực hiện trong thời gian tới.
Về lựa chọn chế độ kế toán
Thông tư số 132/2018/TT-BTC gồm 4 chương, 20 điều, hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ. Đối tượng áp dụng là các DN siêu nhỏ, bao gồm các DN siêu nhỏ nộp thuế thu nhập DN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế và phương pháp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
Theo quy định, ngoài việc áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC, các DN siêu nhỏ cũng có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ban hành theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 của Bộ Tài chính cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của DN. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ kế toán phải nhất quán trong một năm tài chính.
Về chứng từ kế toán
Nội dung chứng từ kế toán, việc lập và ký chứng từ kế toán của DN siêu nhỏ thực hiện theo quy định tại Luật Kế toán và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC. Theo đó, chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu như: Tên và số hiệu của chứng từ kế toán; Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán; Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; Tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ; Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán. Ngoài ra, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ.
Theo quy định, các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động của đơn vị kế toán phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, chính xác theo nội dung quy định trên mẫu.
Trong trường hợp chứng từ kế toán chưa có mẫu thì đơn vị kế toán được tự lập chứng từ kế toán nhưng phải bảo đảm đầy đủ các nội dung quy định. Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai chứng từ kế toán thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo vào chứng từ viết sai. Chứng từ kế toán phải được lập đủ số liên quy định và nội dung các liên phải giống nhau, nếu lập chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính...
DN siêu nhỏ cũng được tự xây dựng biểu mẫu chứng từ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát.
Về sổ kế toán
Nội dung sổ kế toán, hệ thống sổ kế toán, việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ, lưu trữ sổ kế toán và sửa chữa sổ kế toán tại DN siêu nhỏ được thực hiện theo quy định tại Luật Kế toán và các hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này.
Theo quy định, sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; Ngày, tháng, năm lập sổ; Ngày, tháng, năm khóa sổ; Chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; Số trang; Đóng dấu giáp lai. Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu như: Ngày, tháng, năm ghi sổ; Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ; Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh; Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán; Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.
Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn một hệ thống sổ kế toán áp dụng ở đơn vị. Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm. Đơn vị kế toán được cụ thể hoá các sổ kế toán đã chọn để phục vụ yêu cầu kế toán của đơn vị.
Sổ kế toán phải mở vào đầu kỳ kế toán năm; đối với đơn vị kế toán mới thành lập, sổ kế toán phải mở từ ngày thành lập. Sổ kế toán phải được ghi kịp thời, rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của sổ kế toán. Thông tin, số liệu ghi vào sổ kế toán phải chính xác, trung thực, đúng với chứng từ kế toán. Việc ghi sổ kế toán phải theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề. Sổ kế toán phải được ghi liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.
Thông tin, số liệu trên sổ kế toán phải được ghi bằng bút mực; Không ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới; Không ghi chồng lên nhau; Không ghi cách dòng; Trường hợp ghi không hết trang phải gạch chéo phần không ghi; Khi ghi hết trang phải cộng số liệu tổng cộng của trang và chuyển số liệu tổng cộng sang trang kế tiếp. Đơn vị kế toán phải khóa sổ kế toán vào cuối kỳ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính và trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật…
DN siêu nhỏ được tự xây dựng biểu mẫu sổ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của mình, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ kiểm tra, kiểm soát. Trường hợp DN siêu nhỏ không tự xây dựng được biểu mẫu sổ kế toán cho riêng đơn vị mình thì được áp dụng biểu mẫu và phương pháp ghi chép sổ kế toán hướng dẫn tại Thông tư này.
Về tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán
Các DN siêu nhỏ được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Việc bố trí người làm kế toán của DN siêu nhỏ phải đảm bảo không vi phạm quy định tại Điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán.
Các DN siêu nhỏ được ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để thuê dịch vụ làm kế toán hoặc dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định của pháp luật. Danh sách đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được công bố và cập nhật định kỳ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Về lựa chọn phương thức kế toán
DN siêu nhỏ có thể lựa chọn một trong hai phương thức kế toán cho phù hợp với thực tế DN của mình, cụ thể:
Thứ nhất, đối với kế toán tại DN siêu nhỏ nộp thuế thu nhập DN (TNDN) theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế: DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế áp dụng các chứng từ kế toán theo danh mục ở Bảng 1.
Ngoài ra, DN siêu nhỏ có thể lựa chọn áp dụng chứng từ kế toán tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán DNNVV để đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Biểu mẫu chứng từ kế toán, nội dung và phương pháp lập các chứng từ kế toán cũng được quy định rõ tại Thông tư này. DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế áp dụng các sổ kế toán theo quy định tại Thông tư này. Ngoài ra, DN siêu nhỏ có thể lựa chọn áp dụng thêm các sổ kế toán chi tiết hoặc các hình thức sổ kế toán tổng hợp khác tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh...
Thứ hai, kế toán tại DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ: DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ áp dụng chứng từ kế toán theo danh mục quy định tại Thông tư này.
Ngoài ra, DN siêu nhỏ có thể lựa chọn áp dụng chứng từ kế toán tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này hoặc Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/8/2016 để phục vụ yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Biểu mẫu, nội dung và phương pháp lập các chứng từ kế toán được quy định rõ tại Thông tư này. DN nếu không có nhu cầu thì không bắt buộc phải mở các tài khoản kế toán mà chỉ ghi đơn trên sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và thu nhập… phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của DN với NSNN.
DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phải mở các sổ kế toán để theo dõi các khoản doanh thu và các khoản thu nhập, các khoản thuế phải nộp Nhà nước, các khoản tiền lương và các khoản trích theo lương... phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế của DN với NSNN theo danh mục quy định tại Bảng 2.
Ngoài ra, DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ có thể lựa chọn áp dụng thêm các sổ kế toán chi tiết hoặc các hình thức sổ kế toán tổng hợp khác tại Thông tư số 133/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán DNNVV cho phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như nghĩa vụ thuế với NSNN. Biểu mẫu sổ kế toán, nội dung và phương pháp ghi sổ kế toán được quy định rõ tại Thông tư.
DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập BCTC để nộp cho cơ quan thuế nhưng vẫn thực hiện các báo cáo theo quy định của pháp luật thuế. Thời gian lập và nộp báo cáo thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
Ngoài ra, căn cứ vào các thông tin về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tiền lương và các khoản nộp theo lương... các DN siêu nhỏ có thể lập các báo cáo kế toán phục vụ cho quản trị, điều hành DN. DN siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ nếu lựa chọn áp dụng chế độ kế toán quy định tại Thông tư này để phục vụ cho nhu cầu quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thì vẫn lập BCTC theo quy định nhưng không cần nộp cho cơ quan Thuế và bảo quản, lưu trữ theo quy định và sử dụng tại DN để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.