Bộ Tài chính đề xuất phương pháp tính thuế đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ


Để tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định và áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đơn giản cho doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định và áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Nguồn: internet
Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định và áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Nguồn: internet

Nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu

Theo quy định hiện hành tại Điều 10 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.

Theo Luật thuế TNDN và văn bản hướng dẫn hiện hành, các doanh nghiệp thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, có thu nhập chịu thuế TNDN mà xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì thu theo tỷ lệ ấn định.

Tuy nhiên, để tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả như chỉ đạo của Chính phủ thì cần đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể để khuyến khích thành lập doanh nghiệp.

Do đó, nhằm đạt mục tiêu vừa đơn giản trong quản lý, vừa hạn chế tối đa vướng mắc phát sinh, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định và áp dụng phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ (doanh thu hàng năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người) được kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp không xác định được thu nhập.

Với đề xuất này, doanh nghiệp siêu nhỏ (đặc biệt là các doanh nghiệp được thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh) vẫn có thể áp dụng phương pháp tính thuế TNDN theo tỷ lệ trên doanh thu (hiện hành cũng đang được áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu) nếu không thể xác định được thu nhập. Trường hợp xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập thì phải thực hiện tính thuế TNDN theo phương pháp xác định thu nhập. 

Tỷ lệ áp dụng thuế suất ưu đãi bằng 0,75 thuế suất hiện hành

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 15% so với việc áp dụng mức thuế suất phổ thông như hiện nay là 20%, tương ứng với tỷ lệ áp dụng thuế suất ưu đãi bằng 0,75 thuế suất hiện hành (15%/20%).

Trên cơ sở phân loại lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh để thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỷ lệ trên doanh thu đối với hộ kinh doanh đang được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế có tính đến mức độ khuyến khích để các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội quy định về tỷ lệ % doanh thu theo ngành nghề hoạt động tương đương với mức 0,75 lần mức thuế suất đang áp dụng.

Trong đó, lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa áp dụng mức thuế TNCN là 0,4% (mức thuế TNCN hiện hành áp dụng với hộ kinh doanh từ 0,5%); Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 1,2% (mức thuế TNCN hiện hành áp dụng với hộ kinh doanh là 1,5%); Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 1,5%; Riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý sổ xố, đại lý bán hàng đa cấp 4% (mức thuế TNCN hiện hành áp dụng với hộ kinh doanh là 2% và 5%); Hoạt động kinh doanh khác là 0,8% (mức thuế TNCN hiện hành áp dụng với hộ kinh doanh là 1%).

Đề xuất trên của Bộ Tài chính nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới.