Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương đạt 6,4%
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB, trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương đạt 6,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng 6,2% (dự báo tháng 4/2017), do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng mạnh hơn, giá hàng hóa và thương mại toàn cầu phục hồi nhẹ.
Trong đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, cao hơn so với mức tăng 6,5% (dự báo đưa ra trước đó). Thái Lan có thể đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo trước đó nhờ hoạt động xuất khẩu và du lịch phục hồi. Giá sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế tạo tăng trưởng trở lại là động lực giúp kinh tế Việt Nam khởi sắc; Kinh tế Indonesia được hưởng lợi nhờ việc tăng lương thực tế giúp thúc đẩy hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Từ năm 2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Từ năm 2018, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) nhằm khuyến khích tài chính toàn diện tại các ngân hàng thương mại, như hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các nhóm nghèo khó và sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp, sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, các ngân hàng thương mại có dư nợ hằng năm hoặc cho vay mới trong lĩnh vực tài chính toàn diện chiếm hơn 1,5% tổng dư nợ sẽ được cắt giảm 0,5 điểm phần trăm RRR so với mức chuẩn, nếu tỷ lệ vượt quá 10% sẽ được cắt giảm thêm 1 điểm phần trăm RRR.
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh và phục hồi nhanh
Mới đây, các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã đưa ra nhận định: Nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh và phục hồi nhanh trong bối cảnh nước này đang nỗ lực kiểm soát các rủi ro về nợ.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, đà tăng trưởng sẽ chậm lại trong những tháng tới do chi phí cho vay cao hơn, hoạt động giao dịch bất động sản bị kiềm chế và Chính phủ đóng cửa một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong mùa đông. Lực đẩy từ chương trình kích thích kinh tế, trong đó có nhiều khoản chi dành cho hạ tầng đã tiếp lực cho giai đoạn bùng nổ xây dựng trong nhiều năm qua, cũng sẽ bắt đầu giảm đi.
Tuần qua chứng khoán châu Á tăng 2,14 điểm
Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,14 điểm tương đương 1,32%. Trong ngày giao dịch cuối tuần (06/10/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số: Kospi (Hàn Quốc) tăng 21,55 điểm (0,9%) lên 2.416,02 điểm. Hang Seng (Hồng Kông) tăng 78,86 điểm (0,28%) lên 28.458,04 điểm. S&P/ASX 200 (Australia) tăng 58,9 điểm (1,04%) lên 5.710,7 điểm. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 62,15 điểm (0,3%) lên 20.690,71 điểm. Riêng Shanghai Composite (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.
Kiều hối sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2017
Theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối (nguồn thu chính cho các nước nghèo nhất thế giới) sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2017, do kinh tế Nga, châu Âu và Hoa Kỳ tăng trưởng sẽ thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi, châu Âu, Trung Á, Mỹ La-tinh và Caribe tăng.
Cụ thể, nguồn kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2017 sẽ tăng 4,8% lên 450 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về khu vực Đông Á và Đông Nam Á giảm vì các nước vùng Vịnh (nguồn kiều hối truyền thống chính của khu vực này) đang phải thắt chặt chi tiêu do giá dầu giảm, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động nước ngoài.