Điểm những vấn đề "nóng" của kinh tế toàn cầu trong năm 2015
(Tài chính) Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây đã công bố những vấn đề thu hút mối quan tâm nhiều nhất của các nhà lãnh đạo quốc tế trong vòng 12-18 tháng tới.
Bất bình đẳng thu nhập
Theo công bố mới đây của WEF về tình hình toàn cầu, tình trạng bất bình đẳng thu nhập được xếp ở vị trí số 1 trong danh sách 10 vấn đề có thể thu hút mối quan tâm nhiều nhất.
Bản danh sách này được đúc kết dựa trên kết quả khảo sát 1.800 chuyên gia, trong đó có cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown. Theo ông Gore, trong khi các nước giàu tiếp tục tích lũy tài sản với tốc độ nhanh kỷ lục thì các nước thuộc hàng thu nhập trung bình vẫn vất vả tìm cách làm giàu cho mình. Theo WEF, châu Á là khu vực có mức độ bất bình đẳng thu nhập lớn nhất trong năm 2015.
Bên cạnh công bố của WEF, nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định, sự bất bình đẳng trong nội tại mỗi quốc gia cũng ngày một dâng cao, điều này xảy ra ở cả những nước phát triển lẫn đang phát triển. Theo các chuyên gia của IMF và WB thì trong giai đoạn sau năm 2008, do những bế tắc về chính trị khiến các biện pháp xử lý thích hợp về tài khóa bị vô hiệu nên ngân hàng trung ương các nước buộc phải thúc đẩy nền kinh tế một cách nhân tạo. Để làm được điều đó, họ phải phụ thuộc vào mức lãi suất gần như bằng không và những biện pháp phi truyền thống như nới lỏng định lượng để kích thích tăng trưởng và tạo việc làm.
Bên cạnh những thiếu sót, các biện pháp này còn ngầm ưu ái những người giàu có vốn đang nắm giữ một lượng tài sản tài chính lớn vô cùng lớn. Trong khi đó, các công ty không ngừng nỗ lực áp dụng các biện pháp giúp giảm mức thuế phải đóng. Kết quả là, hầu hết các quốc gia phải đối mặt với bộ ba bất bình đẳng – bất bình đẳng về thu nhập, bất bình đẳng về tài sản, và bất bình đẳng về cơ hội.
Bộ ba này, nếu không được kiểm soát, sẽ thúc đẩy lẫn nhau và gây ra những hậu quả sâu rộng. Ngoài những tác động về đạo đức, xã hội và chính trị, bộ ba này còn gây ra một mối quan ngại nghiêm trọng hơn về kinh tế: thay vì tạo động lực cho sáng tạo và làm việc chăm chỉ, bất bình đẳng bắt đầu làm suy yếu những động lực kinh tế, các khoản đầu tư, việc làm, và sự thịnh vượng.
Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về hoạch định chiến lược phát triển sau năm 2015, Bà Amina Mohammed phát biểu: "Mối nguy hiểm về việc phớt lờ tình trạng bất bình đẳng thu nhập này đang hiện hữu rõ ràng. Đối tượng người dân, đặc biệt là công dân trẻ, bị loại khỏi lực lượng lao động chính cảm thấy bị tước quyền công dân và dễ bị kích động gây ra xung đột". Bà Mohammed cảnh báo, bất bình đẳng thu nhập đang "làm suy yếu các nền dân chủ và hủy hoại hy vọng về các xã hội hòa bình và phát triển bền vững".
Thất nghiệp gia tăng
Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách các vấn đề "nóng" toàn cầu là tình trạng thiếu việc làm. Theo WEF, mặc dù kinh tế thế giới đang bắt đầu hồi phục sau khủng hoảng nhưng số người thất nghiệp trên thế giới không ngừng tăng lên do công nghệ cải tiến, các việc làm sản xuất thủ công giảm. Việc chậm trả lương đã kìm hãm triển vọng phát triển và tạo việc làm, từ đó góp phần làm gia tăng chênh lệch thu nhập.
Nhận định của WEF cũng khá tương đồng với "Báo cáo về lao động toàn cầu năm 2014" được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 27/3/2014. Theo đó, tăng trưởng giảm sút khiến cho tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu diễn ra nghiêm trọng hơn. Trong năm 2013, số người thất nghiệp đã tăng gần 4 triệu người so với năm 2012, qua đó nâng tổng số người thất nghiệp trên toàn cầu lên gần 200 triệu người (199,8 triệu người).
Tình hình thất nghiệp diễn biến không đồng đều giữa các khu vực. Trong khi các nền kinh tế phát triển có tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao - trung bình đạt khoảng 8,5% năm 2013 (so với 5,8% năm 2007), thì các nền kinh tế đang phát triển có tỷ lệ thất nghiệp tăng với tốc độ chậm hơn, khoảng 5,4%. Theo dự báo của ILO, tình hình thất nghiệp tại 185 quốc gia trên thế giới sẽ không được cải thiện trước năm 2019, với số người thất nghiệp sẽ tăng nhẹ chủ yếu do sự giảm sút việc làm tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong những năm tới.
Giám đốc Mạng lưới Kiến thức toàn cầu thuộc WEF, bà Martina Larkin cho rằng: "Khủng hoảng lãnh đạo toàn cầu là một xu hướng xuyên cắt tất cả mọi vấn đề khác. Có một điều nguy hiểm là thay vì đưa ra những sáng kiến và hợp tác để giải quyết những thách thức kinh tế - xã hội thì các quốc gia và các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục tìm về chủ nghĩa biệt lập". Bà Larkin nhấn mạnh "những thách thức ngày nay đòi hỏi phải có sự lãnh đạo và lòng can đảm" để vượt qua.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng đã nhận diện thêm hai vấn đề hóc búa mới nảy sinh: Một bắt nguồn từ sự cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gay gắt, chẳng hạn như tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây, vấn đề còn lại phát sinh từ chủ nghĩa dân tộc ngày càng đậm nét. Hai vấn đề này lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 8 trong danh sách xếp hạng của WEF năm 2014.
"Điều này cho thấy chính trường thế giới đang gia tăng chia rẽ còn người dân toàn cầu đang phản ứng quay lưng mạnh mẽ với xu hướng toàn cầu hóa" - WEF bình luận.
Ngoài những vấn đề nêu trên, WEF cũng đã chỉ ra mối quan tâm nhiều nhất của các nhà lãnh đạo quốc tế trong năm tới là ô nhiễm môi trường, thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ thiếu nước sạch và tầm quan trọng của sức khỏe con người đối với phát triển kinh tế, trong đó điển hình là dịch Ebola đang hoành hành và gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế các quốc gia Tây Phi. Bên cạnh đó, bản báo cáo cũng chỉ ra những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao.