Diễn biến lạ của tăng trưởng tín dụng
(Tài chính) Khác với những năm trước, tín dụng cả nước trong hai tháng đầu năm nay đã tăng trưởng dương với mức 0,68%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho đây là dấu hiệu đáng mừng.
Thông tin từ trang web của NHNN cho biết, tín dụng cả nước tăng 0,68% trong hai tháng đầu năm; tổng phương tiện thanh toán cũng tăng khoảng 2,67%. Đây được coi là bất ngờ vì theo chu kỳ hàng năm, trong quý I dư nợ tín dụng thường không tăng, thậm chí giảm so với cuối năm trước.
Tuy không thông tin cụ thể về tốc độ tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) song Trưởng phòng Chính sách tín dụng Vietcombank Nguyễn Minh Hường cũng tiết lộ: ngay từ đầu năm, Vietcombank đã giải ngân cho các khách hàng với các dự án tốt được xúc tiến ký hợp đồng từ trong năm 2014. Vì vậy, hai tháng đầu năm 2015, dư nợ của Vietcombank vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Năm ngoái, Vietcombank cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 6,6% trong nửa đầu năm – mức tăng cao nhất trong các ngân hàng thương mại nhà nước.
Tại TP Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tăng 1,1%. Theo Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, mức tăng trưởng không cao nhưng đã cho thấy dấu hiệu đáng mừng về tình hình tín dụng vì những năm trước, trong khoảng 4 - 5 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng thường âm. Trước tết, nhu cầu vay vốn tăng chủ yếu để phục vụ sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng Tết của doanh nghiệp, tổ chức, tiểu thương và cá nhân. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tập trung tìm kiếm khách hàng, tăng hạn mức cho vay ngay từ đầu năm, cũng như tăng cường triển khai gói cho vay ưu đãi trong chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng.
Trang web của NHNN nhận định, tín dụng tăng trưởng tích cực nhờ nỗ lực của ngành ngân hàng. Từ nhiều năm qua, NHNN điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị tiền đồng, tạo cơ sở để giảm dần lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, giá dầu thế giới giảm mạnh là những yếu tố khuyến khích nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài hoạt động cầm chừng.
Đến nay, lãi suất cho vay VND dành cho các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn khoảng 9 - 10%/năm; lãi suất cho vay dành cho sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 7 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5 - 11%/năm đối với trung, dài hạn. Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005 - 2006. Những ngày đầu tháng 3.2015, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng áp dụng dưới mức trần 5,5%/năm, tạo ra xu hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, được kỳ vọng là giảm thêm 1 - 1,5%/năm trong năm nay. Lạm phát thấp và lãi suất huy động giảm cũng tạo động lực thôi thúc các nhà đầu tư tìm kiếm những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn như mua cổ phiếu, đầu tư nhà đất.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, như chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay phát triển nhà ở xã hội,… Trong điều kiện thị trường tài chính còn ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng, việc triển khai những chương trình tín dụng này đã góp phần tích cực vào việc lựa chọn dự án đầu tư hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng bảo đảm an toàn nguồn vốn và yên tâm hơn khi mở rộng tín dụng.
Các chuyên gia tài chính - tiền tệ cũng nhận định, yếu tố kích thích tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm mặt bằng lãi suất giảm dần, thanh khoản của các ngân hàng dồi dào và nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân gia tăng. Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế. Mặt khác, Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 dương lịch, nên nhu cầu vay vốn cũng tăng mạnh.
Diễn biến của tín dụng 2 tháng đầu năm cùng với một số dấu hiệu khác cho thấy không khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đặt cho năm nay là 13 - 15%. Chẳng hạn, các chính sách vĩ mô ổn định, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thị trường bất động sản hồi phục, xuất nhập khẩu tốt… Ngoài ra, Nhà nước đang có những gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, chính sách điều hành lãi suất theo xu hướng giảm.