Diễn biến mới nhất về gói 30.000 tỷ đồng
(Tài chính) Tính đến hết ngày 15/03/2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 3.048 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với 31/12/2013, theo báo cáo của Bộ Xây dựng ngày 19/03/2014.
Cụ thể, đối với các tổ chức, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản xác nhận đăng ký (của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP VietinBank và Ngân hàng Agribank) được ký hợp đồng cho vay đối với 20 dự án với số tiền 1.791,92 tỷ đồng, các Ngân hàng đã giải ngân cho 14 dự án với số tiền là 591 tỷ đồng.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, 5 Ngân hàng đã cam kết cho vay 3.030 khách hàng cá nhân với số tiền là 1.134 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.011 khách hàng với dư nợ 731 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2013, gồm 2 phần: phần dành cho người dân chiếm 70%, tương đương 21.000 tỷ đồng; phần dành cho doanh nghiệp là 30%, tương đương 9.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, tiến độ giải ngân gói tín dụng này đến nay vẫn còn chậm, do nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn ít; một số ngân hàng vẫn còn thận trọng trong việc xác định đối tượng vay; một số chính quyền địa phương cấp cơ sở cũng chưa quán triệt chủ trương, chính sách nên việc triển khai xác nhận đối tượng còn phiền hà, chậm chễ gây bức xúc trong xã hội.
Thứ nhất, kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân);
Thứ hai, mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá);
Thứ ba, mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, Miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng), được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%;
Thứ tư, mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80%x1,05 tỷ đồng;
Thứ năm, mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ);
Thứ sáu, ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng công bố số liệu tồn kho bất động sản “khủng” trên cả nước. Tính đến ngày 25/02/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên cả nước khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (giảm 1,87%) so với tháng 12/2013.
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư: 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; Tồn kho nhà thấp tầng: 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; Tồn kho đất nền nhà ở: 9.119.001 m2, tương đương 33.880 tỷ đồng; Đất nền thương mại: 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng.
Tình hình tồn kho tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm so với thời điểm cuối năm 2013. Tại Hà Nội, tính đến ngày 25/02/2014, tổng số tồn kho trên địa bàn khoảng 12.601 tỷ đồng, giảm gần 369 tỷ đồng (giảm 2,8%) so với tháng 12/2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 3.164 căn tương đương 3.565 tỷ đồng (giảm 294 căn so với tháng 12/2013); Tồn kho nhà thấp tầng là 3.096 căn tương đương 9.036 tỷ đồng (giảm 26 căn so với tháng 12/2013).