Điện hạt nhân: Năng lượng cấp thiết của Nhật Bản

PV.

Vai trò chính của điện hạt nhân vẫn có “tầm quan trọng như năng lượng tái sinh” xét trên phương diện giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khẳng định điều này Chính phủ Nhật Bản đã xác định rõ quan điểm khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân, thay thế các nhà máy cũ. Việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân đã ngừng hoạt động kể từ sau sự cố điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, mới đây của Nhật Bản càng khẳng định rõ vai trò của điện hạt nhân đối kinh tế - xã hội…

Tokyo dự kiến sẽ tiếp tục nâng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong gói điện năng tổng thể
Tokyo dự kiến sẽ tiếp tục nâng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong gói điện năng tổng thể

Năng lượng hạt nhân từng cung cấp khoảng 30% nhu cầu điện năng của Nhật Bản trước khi xảy ra thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thậm chí chính sách năng lượng công bố năm 2010 của Nhật đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên tới trên 50% vào năm 2030. Điều này khẳng định vai trò của điện hạt nhân tại Nhật Bản là rất quan trọng.

Trong trường hợp không có điện hạt nhân thì nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này sẽ phụ thuộc vào ba nguồn chính: Than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên. Điều này dẫn đến chi phí điện tăng cao, từ đó tạo nên áp lực rất lớn cho một nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau thảm họa.

Theo số liệu công bố gần đây của Hiệp hội các công ty điện Nhật Bản, 10 nhà máy điện địa phương đã nhập gần 52,9 triệu m3 khí hóa lỏng trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2012, tăng 27% so với cùng kì năm trước - khi Nhật Bản chưa phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Nhập khẩu dầu thô đã tăng hơn gấp đôi, lên 23,3 triệu m3 (147 triệu thùng), khiến lượng dầu mỏ tiêu thụ tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Thiếu điện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đình trệ sản xuất. Việc thiếu đi nguồn điện hạt nhân giá rẻ khiến chi phí điện tăng cao cũng sẽ tác động xấu đến định hướng phát triển của nhiều công ty ở Nhật Bản.

Nhiều nhà máy đã tính đến phương án di dời ra nước ngoài. Hơn nữa, ngoài vấn đề thiếu điện của bản thân nước Nhật, thì việc chia tay điện hạt nhân sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng đột biến và gây biến động trên thị trường dầu mỏ thế giới nói riêng và tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Quyết định tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Sendai của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe được đưa ra vào thời điểm tỷ lệ phản đối sử dụng năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản vẫn ở mức rất cao là 57%. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản đã trấn an dư luận khi khẳng định Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp an toàn nhằm không để tái diễn sự cố như tại nhà máy hạt nhân Fukushima.

Quyết định tái khởi động nhà máy điện hạt nhân diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản thiếu điện nghiêm trọng. Tình trạng thiếu điện hiện nay có thể đã vượt xa nỗi lo ngại về an toàn hạt nhân trong bối cảnh kết quả điều tra cuối cùng về sự cố Fukushima 1 cũng như một kế hoạch chi tiết về nguồn năng lượng mới thay thế điện hạt nhân vẫn chưa có.

Nhà máy điện Hạt nhân Sendai tại tỉnh Kagoshima là nơi đầu tiên hoạt động trở lại kể từ khi chính phủ ban bố nghị quyết nâng cao an toàn cho các nhà máy vào năm 2013. Phần lớn trong số 48 nhà máy điện hạt nhân đã bị đóng cửa ngay sau khi thảm họa động đất khiến nhà máy điện Fukushima bị rò rỉ chất phóng xạ năm 2011, và từ năm 2013 đã không có nhà máy hạt nhân nào được vận hành.

Hiện nay, việc Nhật Bản có nên tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân hay không là một chủ đề được bàn tán sôi nổi. Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe ủng hộ khởi động lại các nhà máy thỏa mãn tiêu chuẩn an toàn mới, với lý do nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn năng lượng chi phí thấp này.

Nhật Bản có rất ít tài nguyên khoáng sản, và nước này nhập khẩu gần như toàn bộ dầu mỏ để dùng cho các loại phương tiện, nhà ở và các nhà máy. Giá điện tại Nhật Bản đã tăng lên 20% kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra, khiến nhiều nhà và doanh nghiệp gặp khó khăn.

Kế hoạch khởi động lại nhà máy Sendai và nhiều nơi khác đã được chuẩn bị kể từ sau khi nghị định an toàn được ban bố hơn 2 năm về trước, nhưng đã gặp phải nhiều trở ngại về chính trị và kỹ thuật. Các nhà máy cần phải lắp đặt thêm hệ thống thông gió và nhiều thiết bị bảo vệ khác, nhà máy phải có sự cho phép của những quan chức địa phương mới có thể cho chạy lò phản ứng. Vào tháng 9/2014, nhà máy Sendai được công nhận là an toàn.

Đơn vị chủ quản của nhà máy Sendai, Công ty Điện Kyushu cho biết họ đã tháo cần khóa lò phản ứng từ trong lõi vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 11/8, bắt đầu các hoạt động phản ứng nguyên tử dùng để sản xuất điện.

Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, hoá đơn điện của hộ gia đình ở Nhật Bản đã tăng 25,2% trong vòng 4 năm qua tính đến tháng 3/2015 trong khi giá điện dùng cho các nhà máy và công ty tăng tới 38,2%. Tokyo dự kiến sẽ nâng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong gói điện năng tổng thể từ 20% lên 22% trong năm 2030, so với mức gần 30% trước cuộc khủng hoảng.