Điều chỉnh chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững
Với quyết định điều chỉnh mới nhất, Chính phủ đang tạo "cú hích" mạnh mẽ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ dừng ở hỗ trợ hạ tầng hay an sinh, trọng tâm lần này là xây dựng mô hình sinh kế bền vững, phát triển kinh tế lâm nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị sản xuất gắn với bản địa, từ đó tạo sinh kế ổn định, giảm nghèo một cách căn cơ và lâu dài.

Tại Quyết định số 920/QĐ-TTg vừa được ban hành, Chính phủ đã điều chỉnh một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021–2030. Trong đó, các điều chỉnh tập trung vào hoàn thiện nội dung các dự án thành phần nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ thiết thực cho người dân và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững tại khu vực còn nhiều khó khăn.
Theo Quyết định mới, nhiều dự án thành phần quan trọng của Chương trình được điều chỉnh, bao gồm: Dự án quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; phát triển giáo dục – đào tạo; bảo tồn văn hóa gắn với du lịch; chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể trạng người dân; thực hiện bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ, trẻ em; hỗ trợ nhóm dân tộc rất ít người; và công tác tuyên truyền, giám sát thực hiện chương trình.
Nội dung trọng tâm của các điều chỉnh lần này là phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tộc thiểu số – nhóm đối tượng còn đang chịu nhiều thiệt thòi và dễ tổn thương nhất.
Trong Chương trình, Tiểu dự án 1 trong Dự án 3 tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã vùng II, III. Mục tiêu là tạo thêm việc làm, hỗ trợ sinh kế ổn định, đồng thời duy trì tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Người dân tham gia vào các hoạt động như bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng trên đất được quy hoạch, hoặc nhận khoán, được giao rừng theo quy định pháp luật sẽ là đối tượng được hỗ trợ. Việc gắn kết giữa kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ rừng được kỳ vọng sẽ không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu kép: phát triển kinh tế – bảo vệ tài nguyên.
Cùng với đó, Tiểu dự án 2 chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nội dung này nhằm khơi thông tiềm năng đất đai, tài nguyên và lao động bản địa, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện từng vùng miền.
Các hộ nghèo, cận nghèo – nhất là hộ người dân tộc thiểu số, hộ do phụ nữ làm chủ, hộ sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn – sẽ được ưu tiên thụ hưởng. Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, giống cây – con, vật tư, tập huấn quản lý và phát triển thị trường.
Chính phủ đặc biệt khuyến khích các dự án có trên 70% lao động là người dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ chuỗi sản xuất. Đây là hướng đi quan trọng để thúc đẩy giảm nghèo bền vững, thay vì chỉ dựa vào hỗ trợ trợ cấp đơn thuần.
Ngoài nội dung về phát triển sản xuất, các dự án còn chú trọng đầu tư vào giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em, nhóm dân tộc ít người. Đây là những trụ cột an sinh xã hội quan trọng, góp phần tạo nền tảng cho phát triển toàn diện và bền vững tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Việc điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia lần này thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới tư duy hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn sản xuất với thị trường, gắn sinh kế với bảo vệ tài nguyên. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, góp phần thực hiện thành công mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".