Thời cơ và thách thức cho ngành giải trí Việt trên đường đua tỉ đô

Kim Ngọc

Chỉ riêng 2 show diễn của nhóm Black Pink tại Hà Nội năm 2023 đã có tổng doanh thu gần 13,7 triệu USD- gần bằng 1/2 mục tiêu phấn đấu 31 triệu USD doanh thu nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam vào năm 2030. Doanh thu của 2 show “cây nhà lá vườn” Anh trai năm 2024 cũng đạt hàng trăm tỷ đồng. Rõ ràng, đã đến lúc cần đánh giá đúng mức về ngành công nghiệp giải trí để tận dụng được cơ hội, phát huy được tiềm năng!

Show diễn Anh trai say Hi thu hút đông đảo khán giả
Show diễn Anh trai say Hi thu hút đông đảo khán giả

Không chỉ thu lợi về kinh tế

Nước bạn Hàn Quốc có lẽ là tấm gương sáng nhất về ngành công nghiệp giải trí. Với làn sóng Hallyu (làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc) lan tỏa toàn cầu, ngành công nghiệp giải trí nước này đã thu về tới 28,4 tỷ USD trong 5 năm, kể từ 2017. Lĩnh vực xuất khẩu liên quan đến ảnh hưởng từ Hallyu năm 2023 cũng thu tới trên 14,16 tỷ đô. Riêng nhóm nhạc BTS đã đóng góp hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm, số tiền tương đương 26 công ty tầm trung gộp lại.

Chỉ 2 concert của nhóm nhạc Black Pink của Hàn biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 7/2023 cũng mang về gần 13,7 triệu đô. Con số này gần bằng một nửa số mục tiêu doanh thu phấn đấu của ngành nghệ thuật biểu diễn nước ta trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Sự chênh lệch này đã đặt dấu hỏi lớn cho việc phát triển ngành công nghiệp giải trí ở nước ta. Phải chăng, chúng ta chưa đánh giá đúng mức về tiềm năng phát triển của công nghiệp giải trí cũng như những lợi ích mà ngành công nghiệp này mang lại?

Tín hiệu đáng mừng với ngành công nghiệp văn hóa, giải trí của Việt Nam cũng đã hiện hữu với những con số cụ thể. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), năm 2024, hai “quả bom” giải trí là “Anh trai say Hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã làm bùng nổ ngành công nghiệp giải trí nước nhà. Trong đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai” tổ chức thành công 2 concert tại TP. Hồ Chí Minh và Hưng Yên, thu hút khoảng 50.000 người tham gia. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, doanh thu của chương trình này là trên 340 tỷ đồng. Còn “Anh trai say Hi” cũng tổ chức thành công 4 đêm concert chia đều cho 2 đầu cầu Nam - Bắc, ước tính thu hút tổng cộng khoảng 150.000 khán giả theo dõi trực tiếp, doanh thu cũng hàng trăm tỉ đồng.

Ngoài lợi nhuận về kinh tế, công nghiệp giải trí còn mang đến những lợi nhuận “mềm” không thể đong đếm. Đó chính là việc tạo được trào lưu, sức ảnh hưởng, lan tỏa các giá trị tinh thần, và hơn hết là quảng bá hình ảnh văn hóa của một dân tộc ra với thế giới. Và khi đã định vị được nền văn hóa trên bản đồ văn hóa thế giới, sẽ là một sự quay ngược tác động trở lại, thúc đẩy các ngành kinh tế “ăn theo”. Đơn cử như tại Hàn Quốc, ngoài doanh số từ các album ca nhạc bán ra, doanh thu từ các vật phẩm liên quan đến album hoặc nghệ sĩ Kpop cũng không nhỏ. Ước tính của Thời báo Chosun Hàn Quốc cho thấy, doanh thu lên đến 280 triệu đô trong năm 2023. Rõ ràng, đây là thực tế mà Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận để có thể phát triển ngành công nghiệp giải trí.

Hướng nào để phát triển?

Việt Nam có thể học hỏi từ Hàn Quốc bằng cách xây dựng một chiến lược phát triển ngành giải trí dài hạn. Trước tiên, cần đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục. Thực tế, hệ thống giáo dục đại học ở nước ta đang thiếu các chương trình liên quan đến ngành giải trí, đặc biệt là các chương trình tập trung vào các chuyên ngành thiết yếu như kinh doanh giải trí, công nghệ âm thanh, công nghệ giải trí…

Show diễn của Black Pink tại Hà Nội
Show diễn của Black Pink tại Hà Nội

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư một cách đồng bộ về hạ tầng phục vụ giải trí. Nhìn lại 2 show diễn của Black Pink tại Hà Nội sẽ thấy những tiếc nuối! Bởi nếu sân vận động ở TP. Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn, thì nhóm sẽ tiếp tục có 2 đêm diễn nữa, doanh thu khi ấy rất có khả năng bằng mức nước ta phấn đấu đến năm 2030 (31 triệu USD). Thực tế thiếu vắng cơ sở hạ tầng đạt chất lượng này đã từng được đưa ra bàn thảo tại nghị trường năm 2023, khi một đại biểu phản ánh “có nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản đến 5 địa điểm đất vàng, đất kim cương của thành phố nhưng chỉ vận hành một địa điểm, 4 địa điểm còn lại hoặc để hoang, hoặc cho các đơn vị khác thuê…, trong khi phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn”.

Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia nhắc đến là việc tạo dựng, định vị được vị trí trên bản đồ giải trí quốc tế, tiếp cận khán giả nước ngoài nhiều hơn, thay vì chỉ co cụm trên dải đất hình chữ S. Điều này cần sự chủ động của các nghệ sĩ và sự ủng hộ của các nhà quản lý. Như ca sĩ Sơn Tùng M-TP với màn kết hợp cùng rapper Snoop Dogg trong MV “Hãy trao cho anh” (2019) đã “gây bão” thời điểm phát sóng, tạo ấn tượng với không chỉ khán giả trong nước mà quốc tế…

Cùng với đó, Việt Nam cũng phải đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; tăng cường sự hợp tác công - tư. Như CEO của FG Entertainment Network, ký giả Dylan Nguyen gợi ý, Chính phủ có thể khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất âm nhạc bằng cách hỗ trợ thuế nhập khẩu thiết bị giải trí chuyên dụng, sẽ giúp giảm chi phí mua sắm thiết bị chất lượng cao, qua đó khuyến khích các công ty sản xuất đầu tư vào công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng môi trường pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác và thúc đẩy bản sắc văn hóa…

Được biết Chính phủ đang yêu cầu Bộ VH-TT&DL khẩn trương xây dựng đề án công nghiệp giải trí, trình luôn trong tháng 5/2025. Điều này cho thấy góc nhìn mới về công nghiệp giải trí ở nước ta, hứa hẹn để ngành công nghiệp này mang lại “tỷ đô” như nhiều nước trên thế giới.