Điều chỉnh thuế, phí để hỗ trợ công nghiệp ô tô
Bộ Tài chính đang nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô chưa sản xuất được ở trong nước, đồng thời định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu ngay từ năm 2015.
Đây là một nhiệm vụ nằm trong những kế hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ Việt – Nhật hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được quy định tại Quyết định 1829/QĐ-TTg ngày 28/10/2015.
Ổn định thuế, phí trong 10 năm
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô duy trì ổn định lâu dài các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô (phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường...) với lộ trình thuế, phí nội địa ổn định trong vòng 10 năm.
Bên cạnh đó, điều chỉnh lại giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.
Nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và nâng cao giá trị tạo ra trong nước, Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Công thương thực hiện đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp chế xuất để phục vụ thị trường nội địa; đồng thời giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô chưa sản xuất được ở trong nước, định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng hàng loạt chính sách, nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phát triển.
Bộ Tài chínhchủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và đảm bảo kinh phí cho việc triển khai thực hiện các hành động thuộc lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ tại các bộ theo quy định hiện hành...
Áp lực lớn
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện nay vẫn rất nhỏ, mỗi năm tiêu thụ trên 200.000 xe ô tô các loại. Trong điều kiện công nghiệp ô tô vẫn còn được bảo hộ với hàng rào thuế nhập khẩu 15- 50% như hiện nay, ô tô lắp ráp trong nước đáp ứng được khoảng 60- 70% nhu cầu thị trường. Xe 5 chỗ và xe tải là hai phân khúc chủ đạo của công nghiệp ô tô Việt Nam.
Năm 2014, thị trường ô tô trong nước có nhiều khởi sắc, một phần nhờ chính sách đã ổn định hơn trước, một phần nhờ thuế nhập khẩu CEPT giảm từ 60% xuống còn 50% theo lộ trình cam kết trong khối ASEAN.
Năm 2014, cả sản lượng và dung lượng thị trường đều đạt trên 120.000 xe, trong đó xe 5 chỗ chiếm 42,1% sản lượng xe sản xuất trong nước, xe tải chiếm 25,1% và các dòng xe còn lại mỗi dòng chiếm trên dưới 10%.
Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn còn kém phát triển. Tỉ lệ mua phụ tùng trong nước đạt được ở mức khác nhau tùy theo chủng loại xe và nhà sản xuất (10-30% đối với xe du lịch, >30% đối với xe tải, > 40% đối với xe buýt). Phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất tại nhà máy, tỉ lệ mua từ nhà cung cấp rất thấp.
Bên cạnh đó, trong số các nhà cung cấp hiện có, hơn 90% là nhà cung cấp FDI, chỉ có một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia được vào mạng lưới nhà cung cấp của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Mặc dù được xác định là ngành công nghiệp cần được bảo hộ và thúc đẩy phát triển và trên thực tế đến nay ô tô vẫn là một trong những ngành được bảo hộ với hàng rào thuế nhập khẩu giữ ở mức khá cao ở hầu hết các hiệp định hợp tác kinh tế song phương và đa phương, sự thiếu đồng bộ và bất ổn định trong chính sách thời gian qua (chủ yếu liên quan đến thuế, phí) đã gây ra những tác động tiêu cực tới sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam được giảm về 0%. Việt Nam chỉ còn 3 năm để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp ô tô trong nước.
Nếu không tận dụng được cơ hội ngắn ngủi này, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tương tự Philippines vài năm về trước, khi thị trường chưa phát triển, chính sách không rõ ràng khiến các nhà sản xuất lắp ráp rút khỏi thị trường chuyển sang nhập khẩu và đến khi nhu cầu tiêu dùng ô tô bùng nổ (thời kỳ phổ cập ô tô - motorization), ô tô sẽ được nhập khẩu về để đáp ứng nhu cầu trong nước gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng.
Thị trường trong nước vẫn còn nhỏ. Năm 2013, thị trường xe ô tô của Việt Nam chỉ bằng 1/2 của Philippines, 1/5 của Malaysia, 1/10 của Indonesia và Thái Lan.
Giá xe của Việt Nam cao hơn so với giá xe của các nước trong khu vực (từ 50 đến 300 triệu VND so với giá xe tại Thái Lan và Indonesia - tương đương 2.400 - 12.000 USD tùy từng loại xe) do chi phí sản xuất lớn hơn và mức thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam đối với dòng xe dưới 9 chỗ cũng cao hơn so với mức thuế nội địa của các nước trong khu vực.