Trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế

Theo mof.gov.vn

Sáng 27/10, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại phiên họp Quốc hội sáng 27/10.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại phiên họp Quốc hội sáng 27/10.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những năm qua, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay, nền kinh tế vĩ mô đã ổn định. Tuy nhiên, để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, minh bạch hóa các hoạt động kinh tế, Chính phủ đã chuẩn bị nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật quản lý thuế theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật.

Theo đó, về thuế GTGT: Cần phải bổ sung các giải pháp chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ sản phẩm nông sản; khuyến khích hợp lý xuất khẩu; ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT; đồng thời tiếp tục giảm thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp thuế và hoàn thuế GTGT chưa hợp lý.

Về thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô và sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; sửa đổi giá tính thuế đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán cho cơ sở thương mại để bảo đảm chính sách minh bạch.

Về quản lý thuế, cần xử lý những khoản nợ thuế của DNNN, doanh nghiệp cổ phần để góp phần thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN; đồng thời, cần bổ sung quy định miễn nộp thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thấp để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho cơ quan thuế tập trung lực lượng để quản lý có hiệu quả các nguồn thu ngân sách.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính (TCNS), ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 03 luật về thuế, trong đó sửa đổi bổ sung Luật thuế GTGT (gồm 02 nội dung), Luật thuế TTĐB (gồm 03 nội dung) và Luật quản lý thuế (gồm 03 nội dung) và thực hiện theo quy trình thông qua tại 01 kỳ họp của Quốc hội.

Theo cơ quan này, việc sửa đổi các Luật liên quan để tiếp tục thực hiện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ,...; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế, khắc phục tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Giảm thuế TTĐB với dòng xe ô tô dung tích nhỏ

Về thuế GTGT, dự thảo Luật sửa đổi 02 nội dung, đó là: Bổ sung quy định: Đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT; và hoàn thuế GTGT. Theo đó, sẽ bỏ quy định hoàn thuế GTGT đối với trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ lũy kế sau ít nhất 12 tháng hoặc ít nhất sau bốn quý, thay vào đó doanh nghiệp được kết chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết (không hoàn) để khấu trừ vào số thuế GTGT kỳ sau nhằm bảo đảm phù hợp với bản chất của thuế GTGT, giảm thủ tục trong kê khai khấu trừ và nộp thuế GTGT. Đồng thời, hoàn thuế đối với dự án đầu tư và thuế GTGT đối với xuất khẩu.

Về thuế TTĐB, sửa đổi 03 nội dung. Thứ nhất, bổ sung quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu khi nhà nhập khẩu bán ra nhằm chống chuyển giá, bảo đảm bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, bổ sung quy định làm rõ giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán hàng cho cơ sở kinh doanh thương mại để đảm bảo minh bạch. Thứ ba, sửa đổi quy định về thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô chở người dưới 24 chỗ.

Theo đó, đối với dòng xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống, điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB theo nguyên tắc phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành, cụ thể: Giảm mức thuế suất thuế TTĐB đối với dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 cùng với việc phân chia thành 03 nhóm nhỏ: Loại có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống; loại có dung tích xi lanh trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3; loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3.

Đồng thời, tăng thuế suất thuế TTĐB ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 cùng với việc phân chia thành 04 nhóm nhỏ, gồm: Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3; Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3; Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3; Loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3. Theo Bộ Tài chính, vì đây là những dòng xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn.

Thẩm tra về quy định thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi như Dự thảo luật, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2000 cm3 và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2500 cm3.

Về Luật quản lý thuế sửa đổi, bổ sung 3 nội dung liên quan đến mức thuế được miễn nộp NSNN; xóa nợ DNNN để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại; và tỷ lệ tính tiền chậm nộp. Theo đó, sửa đổi quy định về tỷ lệ tính tiền chậm nộp thuế tại Luật quản lý thuế theo mức bằng 0,03%/ngày (thay cho mức 0,05%/ngày) tính trên số tiền thuế chậm nộp để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, giảm áp lực cho người nộp thuế.

Dự án Luật này dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) và thông qua tại 01 kỳ họp. Do những nội dung quy định tại dự thảo Luật đều là những giải pháp cấp bách, nên trong Tờ trình của mình, Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 01/01/2016 trừ những điều khoản có quy định hiệu lực cụ thể.

DNNN nào được xóa nợ thuế?

Dự thảo Luật quy định về xóa nợ cho DNNN để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại. Đối tượng gồm:

DNNN thuộc danh sách sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà hiện có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN thì được xem xét xóa nợ thuế ở mức để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.

DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu mà khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê cơ quan có thẩm quyền chưa xác định số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt này.

DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh mà nguồn tài chính còn lại không đủ để thanh toán nợ thuế theo quy định của pháp luật có liên quan.