Điều gì đang “cản bước” thị trường chứng khoán Việt Nam?

Minh Lâm

Tỷ giá neo cao, áp lực lạm phát, biến động vĩ mô, kinh tế toàn cầu... là những nỗi lo của nhà đầu tư và đang phản ánh vào giá thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trải qua gần 2 tháng vận động kém tích cực, chỉ số VN-Index đánh mất hơn 150 điểm (tương đương mức giảm quanh 12%). Với đà trượt dài lần này, thì mọi thành quả trong hơn nửa đầu năm 2023 gần như bị quét sạch.

Mặc dù vẫn đang trong bối cảnh lãi suất thấp, chính sách tiền tệ vẫn đang nới lỏng thế nhưng những phiên giao dịch nghìn đô bỗng mất hút và thay vào đó là những phiên giao dịch “buồn ngủ”. Dưới đây là một số nguyên nhân được cho là tác động tới vận động kém tích cực của thị trường trong thời gian qua.

Biến động tỷ giá

Tỷ giá VND/USD biến động mạnh trong thời gian gần đây, tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7/2023. Việc tỷ giá liên tục đi lên gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Không những thế, đà tăng của tỷ giá cũng tác động mạnh tới quyết định chính sách tiền tệ, khiến cho việc hạ lãi suất của NHNN trong giai đoạn cuối năm bị hạn chế, thậm chí không loại trừ khả năng NHNN sẽ đảo chiều chính sách nhằm ổn định tỷ giá.

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng VND khi quy đổi thành USD "vô tình" bị thâm hụt và điều này gây ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ đầu tư. Khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng sẽ tập trung vào các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 nhiều nhất và sức ép điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu lớn sẽ tác động đến thị trường, đồng thời dẫn đến hiệu ứng lan tỏa đến tâm lý bán ra ở các cổ phiếu khác. Do đó, tỷ giá tăng cao là một trong những nguyên nhân chính tạo áp lực bán ròng đối với khối ngoại.

Rủi ro lạm phát

Năm 2023, lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu của Chính phủ đặt ra dưới 4,5%, nhưng vẫn luôn là một mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư. Bởi nếu lạm phát gia tăng có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, điều này sẽ tác động tiêu cực đến chứng khoán.

Nguồn: SSI Research
Nguồn: SSI Research

Trong quý III/2023, lạm phát tăng 2,89% so với cùng kỳ, trong đó giá thuê nhà (+28,5% so với cùng kỳ) là yếu tố tác động lớn nhất tới CPI, bên cạnh giá lương thực và giáo dục. Đây cũng là nhân tố khiến lạm phát cơ bản duy trì ở mức cao trong 9 tháng đầu năm (+4,5%). Đối với lạm phát tổng thể, biến động của giá xăng dầu là yếu tố rủi ro. Điểm tích cực là bình quân CPI 9 tháng chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của Chính phủ.

Sự gia tăng của giá xăng dầu, giá thuê nhà, giá lương thực và giáo dục trong những tháng gần đây đang thể hiện mức giá tiêu dùng trong các tháng cuối năm nay và đầu năm sau dự kiến sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ, qua đó sẽ kéo CPI tăng mạnh ngay từ đầu năm 2024 (dự kiến trên mức 4.5%).

Đây sẽ là vấn đề chính mà Chính phủ, NHNN hết sức quan tâm trong năm 2024. Muốn kiểm soát lạm phát, thông thường phải biết được nguyên nhân lạm phát đến từ đâu và từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, trong những giải pháp thông dụng và được dùng nhiều nhất, đó là tăng lãi suất, khi đó, sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tóm lại, thị trường vừa qua chính là đang phản ánh mối bận tâm của nhà đầu tư về vấn đề lạm phát và thắt chặt chính sách tiền tệ có khả năng xảy ra.

Kinh tế vĩ mô thế giới đứng trước nhiều biến số

Theo Bloomberg Economics đánh giá, chiến sự Hamas-Israel có thể sẽ khiến giá dầu leo thang, lạm phát tăng cao hơn và khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Tùy theo các kịch bản tình hình chiến sự mà mức độ tác động sẽ khác nhau.

Kịch bản 1: Xung đột chỉ giới hạn ở khu vực biên giới dải Gaza; Sản lượng dầu thô của Iran giảm thì mức độ tác động lên kinh tế toàn cầu là thấp nhất.

Kịch bản 2: Xung đột có sự tham gia của các lực lượng hậu thuẫn tại dải Gaza, Bờ Tây, Lebanon, Syria. Kịch này này cho thấy, mức độ tác động tăng lên dựa trên giả định xung đột tại khu vực Trung Đông có sự tham gia của các lực lượng hẫu thuẫn phía sau của Hamas.

Kịch bản 3: Xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, dù khả năng rất thấp, nhưng nếu xảy ra có thể gây nên suy thoái toàn cầu.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới đang còn quá nhiều ẩn số, có tính chất bất ổn và khó lường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự luân chuyển dòng tiền trong thị trường tài chính, và xu hướng tiền đang dịch chuyển về nơi an toàn hơn.