Làm gì khi thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh?
Quản trị rủi ro, tránh xa tin đồn, đầu tư có kỷ luật, đa dạng hóa danh mục đầu tư là những hành động cần thiết của nhà đầu tư trong thị trường giá xuống.
Điều kiện và nhu cầu của mỗi nhà đầu tư là khác nhau, do đó cách ứng phó trước sự sụt giảm của thị trường chứng khoán là không giống nhau. Một chiến lược hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư tránh những cạm bẫy tiềm ẩn và “kê cao gối ngủ ngon” trước những biến động của thị trường. Dưới đây là hành động cần thiết khi thị trường điều chỉnh theo hướng tiêu cực:
Đầu tư có kỷ luật
Đưa ra quyết định theo các nguyên tắc đặt ra trước giúp nhà đầu tư hạn chế được các khoản thua lỗ lớn và giúp có một định hướng rõ ràng trong đầu tư.
Nếu lựa chọn mua cổ phiếu dựa trên các tiêu chí kỹ thuật, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng khi các tiêu chí đó bị vi phạm thay vì việc chần chừ hành động và ngồi đợi các cổ phiếu đó quay trở lại mức giá vốn, bởi trên thực tế nhiều cổ phiếu không thể quay trở về mức giá ban đầu hoặc cũng mất nhiều năm để trở về.
Bán một nửa danh mục cũng là giải pháp dành cho các nhà đầu tư đang có tỷ lệ vay ký quỹ (margin) cao. Việc này sẽ giúp tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn trong các phiên giao dịch sắp tới.
Nếu thực hiện chiến lược bắt đáy ngắn hạn, nhà đầu tư phải không quá tham, cũng như thực hiện chiến mua nhanh bán nhanh và không nên quá kỳ vọng sẽ kiếm được mức sinh lời quá lớn.
Với những người đang đứng ngoài thì nên quan sát kỹ thị trường, bởi lúc hoảng loạn là lúc những cổ phiếu khỏe xuất hiện. Hãy dành thời gian lên danh mục khỏe nhất, ít bị ảnh hưởng bởi thông tin nhất để sẵn sàng cho chu kỳ tăng sắp tới.
Ngừng xem thông tin trên các đội nhóm và diễn đàn
Việc theo dõi thông tin là hết sức quan trọng đối với nhà đầu tư, giúp đưa ra những điều chỉnh về danh mục đầu tư một cách kịp thời, tránh thua lỗ hay hưởng lợi từ tin tức.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần “chắt lọc” những thông tin chính thống, tránh chạy theo tin đồn từ các hội nhóm tự phát, thông tin chưa được kiểm duyệt trên mạng xã hội. Việc theo dõi qua nhiều thông tin không chính thống có thể khiến nhà đầu tư thêm rối rắm và mất phương hướng trong kế hoạch đầu tư của mình.
Ví dụ, vào thời điểm cuối tháng 7/2023, khi VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, loạt thông tin trên mạng xã hội, đến các nhóm cộng đồng làm nhà đầu tư hồ hởi kỳ vọng thị trường sẽ lên 1.300 điểm, thậm chí 1.800 điểm qua đó đầu tư dàn trải, không nghiên cứu kỹ cổ phiếu, doanh nghiệp trước khi đầu tư, thậm chí chạy theo hiệu ứng FOMO.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư
Để tránh tổn thất và cạm bẫy tiềm ẩn khi đặt tất cả trứng vào một giỏ, nhà đầu tư có thể chia nhỏ quỹ đầu tư thành nhiều khoản, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hoặc sử dụng các khoản đầu tư thay thế như bất động sản, vàng, tiết kiệm...
Nếu một cổ phiếu chiếm 80% danh mục và cổ phiếu đó giảm 30% thì tổng tài sản của nhà đầu tư sẽ mất đi gần một phần tư và nhà đầu tư đó sẽ cần phải lãi 33% để gỡ lại khoản lỗ 25% trước kia. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu đó chỉ chiếm 15% danh mục, khoản thua lỗ sẽ chỉ xấp xỉ 5% và đồng thời các cổ phiếu khác có thể sinh lời làm giảm tác động thực tế của cổ phiếu này lên danh mục đầu tư.
Đa dạng hóa danh mục không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn rủi ro, thay vào đó, đa dạng hóa giúp giảm thiểu một phần rủi ro cá biệt của từng danh mục đầu tư và đưa danh mục về mức rủi ro tương đương với rủi ro hệ thống.
Hiểu khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân
Xác định khẩu vị rủi ro là một trong những phương pháp quản trị rủi ro quan trọng nhất. Đối với nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, sự sụt giảm liên tục của thị trường chứng khoán gây ra không ít tâm lý bất an. Đó là lý do nhà đầu tư cần chuẩn bị khả năng chấp nhận rủi ro ngay từ bước xây dựng danh mục đầu tư, tránh hoảng loạn bán tháo cả danh mục khi thị trưởng giảm điểm.
Khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời gian đầu tư, nhu cầu tiền mặt, cảm xúc và phản ứng khi gặp thua lỗ.