Điều gì đang chờ đợi nền kinh tế Nhật Bản sau khi Thế vận hội mùa hè chính thức bị hoãn?

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn

Nhật Bản đang đối mặt với khả năng thiệt hại kinh tế hơn 6 tỷ USD do Thế vận hội mùa hè tại Tokyo không diễn ra theo kế hoạch.

Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 chính thức bị hoãn.  Ảnh: CNN
Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 chính thức bị hoãn. Ảnh: CNN

Theo thông báo chính thức vào ngày 24/3 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, sự kiện thể thao mùa hè lớn nhất thế giới của năm 2020 được thống nhất sẽ lùi lại vào hè năm 2021, nhằm đảm bảo an toàn cho các vận động viên, nhà tổ chức khi các quan chức y tế liên tiếp nhấn mạnh về diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.

Quyết định được đưa ra sau khi lần lượt các quốc gia như Canada, Australia và Mỹ tuyên bố rút khỏi Thế vận hội năm nay nếu nó vẫn được tổ chức như dự kiến, từ đó kêu gọi IOC hoãn lại.

Vào thời điểm nền kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu chững lại và thêm khó khăn chung do đại dịch COVID-19, hoãn Thế vận hội có thể là một tổn thất nghiêm trọng đối với nước này.

Việc Thế vận hội mùa hè Tokyo chính thức bị hoãn sẽ gây ra tổng thiệt hại tài chính cho Nhật Bản lên tới 600 tỷ đến 700 tỷ yên (5,42 tỷ đến 6,32 tỷ USD), các nhà kinh tế tư nhân ước tính. Tác động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Nhật bản và cho các công ty như Bridgestone, vốn đã rót khoảng 3 tỷ USD vào tài trợ.

Các nhà quan sát thị trường đã tin tưởng vào Thế vận hội 2020 và Paralympics sẽ giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi sau đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 năm 2019. Lợi ích kinh tế dự kiến ​​sẽ lan rộng ra nhiều lĩnh vực, từ xây dựng đến dịch vụ.

Goldman Sachs ước tính Nhật Bản sẽ mất 550 tỷ yên trong tiêu dùng nội địa vào năm 2020 nếu Thế vận hội không diễn ra như kế hoạch.

Ước tính tăng trưởng kinh tế cho Nhật Bản được dựa trên sự tăng trưởng được hưởng bởi các nước chủ nhà trước đó. Một cuộc kiểm toán vào cuối năm ngoái cho thấy chính phủ Nhật Bản đã chi hơn 1 nghìn tỷ yên cho các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến Thế vận hội.

Càng kéo dài thời gian, Nhật Bản sẽ càng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và phải chịu chi phí cho việc tổ chức một sự kiện đã được lên kế hoạch cẩn thận từ trước.

Một tổ hợp chung cư mới được xây dựng gần trung tâm Tokyo có gần 4.000 căn dự kiến sẽ sớm được chuyển giao cho các chủ sở hữu tư nhân. Gần 1.000 đơn vị đã được bán - một số đơn vị đã được bán với giá hơn 1 triệu USD và được lên kế hoạch cải tạo từ tháng 1 tới.

Việc Thế vận hội bị hoãn và đại dịch COVID-19 sẽ là cú đấm kép cho nền kinh tế Nhật Bản.  Ảnh: NY Post
Việc Thế vận hội bị hoãn và đại dịch COVID-19 sẽ là cú đấm kép cho nền kinh tế Nhật Bản.  Ảnh: NY Post

 

Katsuhiro Miyamoto, giáo sư tại đại học Kansai ở Osaka, chuyên gia về kinh tế thể thao cho biết, chi phí bảo trì cho các đấu trường và các cơ sở khác được xây dựng cho Thế vận hội là một trong những mất mát cần phải gánh chịu do bất kỳ sự thay đổi nào.

Giáo sư Miyamoto ước tính tổng thiệt hại ở Nhật Bản từ sự chậm trễ một năm cho Thế vận hội bao gồm tất cả các chi phí phụ trợ sẽ vào khoảng 640 tỷ yên, tương đương 5,8 tỷ USD. Nếu sự chậm trễ kéo dài đến hai năm, giáo sư cho rằng con số đó sẽ tăng lên 1,5 nghìn tỷ yên, tương đương 13,6 tỷ USD, bao gồm tất cả các chi phí cho các cá nhân và tổ chức kết nối với Thế vận hội.

Nhiều 'người chơi' trong lĩnh vực du lịch cũng đã tính đến sự gia tăng được mong đợi từ Thế vận hội Tokyo, đặc biệt là khi việc kinh doanh từ đầu năm đến nay đã bị tổn thất nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Khách sạn Imperial tuần trước đã hạ dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài chính xuống 2,3 tỷ yên, giảm 37% so với năm trước. Nhà điều hành khách sạn, với các địa điểm ở Tokyo và Osaka, đang phải chịu sự sụt giảm đột ngột của khách nước ngoài, nhóm người thường chiếm một nửa số lượng đặt phòng.

Việc hoãn lại cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trị của Thế vận hội Tokyo đối với nhiều công ty blue-chip đang xếp hàng để trở thành nhà tài trợ của Nhật Bản và IOC (Ủy ban Olympic quốc tế).

Toyota Motor và Panasonic, giống như Bridgestone, đang là đối tác toàn cầu của IOC. Canon, Asahi Breweries, Mizuho Financial Group và NEC cũng là một trong những đối tác chính thức, có hợp đồng với ban tổ chức Tokyo. Hiện tại, Toyota, Panasonic, Asahi Group Holdings và Canon đều từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong khi đó Airweave dự kiến ​​sẽ cung cấp 18.000 bộ chăn ga gối cho các vận động viên trong làng Olympic. Mặc dù vậy, chủ tịch Motokuni Takaoka nói rằng ông đã không được ban tổ chức thông báo về việc phí tài trợ hoặc các điều khoản sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi việc hủy bỏ hoặc hoãn.

Việc hủy bỏ Thế vận hội chắc chắn sẽ gây thiệt hại về tài chính cho công ty do Airweave đã mua khu vực quảng cáo cho mùa hè này.

Thậm chí, công ty còn phát triển các sản phẩm mới cho mục đích tiếp thị. Airweave trong tháng này đã công bố một sản phẩm nệm tùy chỉnh mới được phát triển cho các vận động viên Olympic.

Không chỉ vậy, việc trì hoãn Thế vận hội đến mùa hè năm 2021 có thể gây ra xung đột với các sự kiện thể thao lớn khác, như giải bơi lội vô địch thế giới ở Fukuoka và giải điền kinh vô địch thế giới ở tiểu bang Oregon tại Mỹ. Để tránh điều này xảy ra, IOC có thể sẽ đi đầu trong các cuộc đàm phán với các liên đoàn thể thao khác.