Điều gì khiến tỷ giá dậy sóng?


Ngoài ảnh hưởng từ giá USD đang tăng rất mạnh và phá vỡ mọi kỷ lục, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu tăng và nhu cầu trả nợ vay, thanh toán ngoại tệ là các nguyên nhân tạo nên áp lực tỷ giá hiện nay.

Các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giá bán USD trên mốc 25.000 đồng.
Các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giá bán USD trên mốc 25.000 đồng.

Giá USD trong nước đang có xu hướng đi lên từ đầu năm. Đặc biệt, 2 ngày gần đây, đà tăng có phần mạnh hơn, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dừng phát hành tín phiếu. Trước đó, nhà điều hành tiền tệ đã có 3 tuần liên tục hút tiền trên thị trường liên ngân hàng. Ghi nhận của VnBusiness, hiện các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giá bán USD lên trên mốc 25.000 đồng.

VND mất giá bao nhiêu?

Theo tính toán của NHNN, tỷ lệ mất giá của Việt Nam đồng (VND) so với USD nếu so với các nước khác thì vẫn thấp. Năm 2023, tỷ lệ mất giá của VND so với USD khoảng 2,9%. Năm 2024, tính đến thời điểm hiện nay, trên thị trường liên ngân hàng thì tỷ giá giữa USD/VND đã có mức tăng 2,6%.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá khoảng 1,74%, đồng Won của Hàn Quốc ở mức 3,88%, đồng Yên của Nhật Bản lên đến 7,52%. Điều này cho thấy, các nền kinh tế lớn cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh về tỷ giá đối với đồng USD.

Còn theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong quý I/2024, tỷ giá liên ngân hàng tăng 2,12% và tỷ giá trung tâm tăng 0,57% so với cuối năm 2023.

Cơ quan này cho rằng tỷ giá VND/USD tăng mạnh là do đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế (chỉ số DXY tăng 2,93% so với cuối năm 2023); chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn duy trì ở mức âm, kích thích các hoạt động đầu cơ tỷ giá; nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng lên cùng với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu và yếu tố thời vụ khi một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước.

Một chuyên gia nhận định, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ khiến giá đồng USD tăng cao, lãi suất tại Mỹ được dự đoán là sẽ neo ít nhất đến quý II/2024 nên Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực tăng tỷ giá USD/VND .

“Trường hợp tỷ giá biến động trên 3% không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua của đồng Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế, đặc biệt là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động tâm lý thị trường chung, nhu cầu ngoại tệ cũng như niềm tin của nhà đầu tư”, một chuyên gia lưu ý.

Áp lực tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, chia sẻ về điều hành tỷ giá. Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, công tác điều hành tỷ giá nhiều lúc cũng gặp khó khăn do tác động của chính sách kinh tế thế giới. Điều này đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Đầu năm 2024, cụ thể là quý trong I, vấn đề tỷ giá vẫn tiếp tục nóng. NHNN cho rằng, đây là một nội dung được quan tâm và tập trung điều hành. Theo Phó Thống đốc, lý do chính của tỷ giá gia tăng là Fed chưa đưa ra thời điểm cụ thể về nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chính vì thế, giá trị đồng USD tăng rất mạnh trong mấy ngày vừa qua. Sự tăng giá này sẽ tác động đến việc giảm giá trị tiền tệ của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Cùng đó, thời gian qua, với chính sách hạ lãi suất của Việt Nam, mức lãi suất giảm sâu. Điều này cũng tạo bất cập khi chênh lêch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục âm. Lãi suất VND thấp hơn USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì vậy, áp lực tỷ giá USD càng nóng.

Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2024 cũng rất tích cực. Do đó, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu cũng gia tăng; và một số chính sách khác cũng có tác động đến tỷ giá.

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực trong nước vẫn nhập siêu gần 4,5 tỷ USD trong quý I/2024. Trong khi đó, lượng vốn giải ngân FDI ghi nhận tích cực nhưng chưa đủ để lấn át các khoản chi ngoại tệ.

Tỷ giá liên tục tăng mạnh, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu song chưa đáng lo ngại vì vẫn trong tầm kiểm soát.

Phó Thống đốc khẳng định với sự điều hành của NHNN, tỷ giá hiện nay vẫn đảm bảo duy trì ổn định, đảm bảo thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, NHNN luôn đảm bảo trạng thái "dương" về ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.

Theo Phó Thống đốc, ngoài các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng còn nhiều yếu tố khác liên quan như cần tuyên truyền để tạo niềm tin cho thị trường; tránh tình trạng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Bởi trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của NHNN trong trường hợp cuối cùng cần thiết vẫn can thiệp để đảm bảo được sự ổn dịnh.

Do đó, Phó Thống đốc mong muốn thông tin để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ, điều hành tỷ giá luôn được Chính phủ quan tâm, điều hành và quản lý. NHNN sẽ luôn sử dụng các công cụ một cách tích cực để đảm bảo mục tiêu tiêu bình ổn tỷ giá trong thời gian tới.

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn