Điều hành tỷ giá linh hoạt thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Hồng Nhung

TCTC Online – Trước những biến động của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về việc chính sách tỷ giá đang có tác động không tốt đến sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố, từ năm 2003, mức nhập siêu của Việt Nam đạt mức 12,9% GDP và lên tới 14,1 tỉ USD, tức gần 20% GDP vào năm 2008. Tỉ lệ này tiếp tục duy trì ở các năm tiếp theo.

Trong giai đoạn 2001-2005, nhập siêu của Việt Nam ở mức trung bình là 9,1% GDP thì giai đoạn 5 năm tiếp theo (2006-2010), nhập siêu đã tăng tới 14,7% GDP. Trong khi đó, Trung Quốc và các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia đều có thặng dư thương mại, thậm chí ở mức rất cao (như Malaysia 22% GDP). Năm 2011, nhập siêu đã có dấu hiệu giảm mạnh, chỉ còn 9,5 tỉ USD (so với 12,6 tỉ năm 2010), chiếm 7,7% GDP (so với 11,9% năm 2010); tỉ lệ nhập siêu/xuất khẩu chỉ còn 9,8%, cách xa mức chỉ tiêu của Quốc hội là 16%.

Đến năm 2012, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, nhưng tính chung cả 9 tháng đầu năm năm 2012, cả nước vẫn xuất siêu khoảng 34 triệu USD. Đây là con số khá khả quan nếu so với thời điểm cùng kỳ năm 2011 cả nước nhập siêu tới hơn 8,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, mặc dù thị trường ngoại hối năm nay khá ổn định và dự báo sẽ không có tình trạng sốt ngoại tệ vào cuối năm nhưng Chính phủ cần điều hành chính sách tỷ giá cần phải linh hoạt hơn, nếu không sẽ đẩy xuất khẩu vào tình thế khó khăn.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, việc phá giá tiền đồng sẽ gây ra gành nặng cho nền kinh tế, khiến nợ vay tăng thêm. Vì vậy, Chính phủ cần điều chỉnh nhẹ biên độ, khoảng 2% để tránh gây bất lợi cho nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc giá vàng liên tục tăng giá trong thời gian gần đây cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tỷ giá trong nước. Nguyên nhân chính là do tâm lý của người dân cho rằng vàng là phương tiện lưu trữ tài sản an toàn mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp triệt để trong việc chống vàng hóa nền kinh tế, tuy nhiên điều này cần phải được thực hiện một cách có hiệu quả bởi không thể dễ dàng xóa bỏ tâm lý truyền thống tích trữ vàng của người dân.

Tuy nhiên, theo TS. Tô Trung Thành, tỷ giá không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

Theo quan điểm được TS. Tô Trung Thành đưa ra, điều hành tỷ giá tác động đến tỷ giá thực qua công thức RER = NER (P*/P), trong đó RER là tỷ giá thực, NER là tỉ giá danh nghĩa, P* và P lần lượt là chỉ số giá nước ngoài và trong nước.

Nếu RER tăng, đồng nội tệ được coi là định giá thực thấp, tạo được vị thế cạnh tranh thương mại quốc tế cho hàng hóa trong nước. Ngược lại, nếu RER giảm, đồng nội tệ được coi là định giá thực cao, vị thế cạnh tranh hàng nội địa sẽ xấu đi. Do đó, định giá thấp đồng nộ tệ cũng là một yếu tố then chốt được một số nước sử dụng để duy trì thặng dư thương mại theo những thời điểm thích hợp.

Việt Nam đã theo đuổi chính sách định giá thấp tiền đồng trong một thời gian dài để khuyến khích xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại. Trước năm 2004, tỷ giá tương đối ổn định, lạm phát trong nước thấp, nhưng từ năm 2007, khi lạm phát gia tăng, việc điều chỉnh tỷ giá ít linh hoạt đã khiến tỷ giá thực rời xa tỷ giá chính thức và đồng tiền bị định giá thực cao.

Thực tế cho thấy, sau giai đoạn giảm mạnh trong năm 2007, tỷ giá thực hầu như rất ít biến động kể từ đầu năm 2008, nhưng nhập siêu lại biến động rất mạnh trong cùng thời kỳ. Như vậy, giá trị xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào hệ số co giãn theo tỷ giá.

Theo đó, nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhập siêu là do năng lực cạnh tranh công nghiệp của nền kinh tế nói chung và hàng hóa xuất khẩu của việt Nam nói riêng còn hạn chế và không theo kịp xu thế chung của thế giới, khiến khả năng tăng xuất khẩu bị hạn chế và dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng chiều rộng chủ yếu dựa vào đầu tư kém hiệu quả khiến chênh lệch đầu tư và tiết kiệm nới rộng khiến cán cân thương mại mất cân đối.

Tuy nhiên, theo dự đoán, hoạt động thương mại trong những tháng tới sẽ có những chuyển biến tích cực do:

- Trong bối cảnh suy giảm của kinh tế toàn cầu, lãnh đạo nhiều quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, liên tục đưa ra những biện pháp nới lỏng nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là yếu tố kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân trên thế giới, tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

- Lãi suất VND liên tục được điều chỉnh giảm từ đầu năm 2012, đến nay “trần” lãi suất huy động VND đã giảm xuống mức 9% và có thể sẽ được điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Chính phủ và NHNN liên tục có những động thái bơm tiền vào nền kinh  tế nhằm kích thích tăng trưởng. Theo tính toán, trong những tháng cuối năm 2012 mỗi tháng sẽ có khoảng 22-23 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công được chi tiêu vào nền kinh tế. Số vốn đầu tư công này có thể giúp giải quyết những vấn đề tồn kho và cải thiện tổng cầu của nền kinh tế và làm tăng nhu cầu nhập khẩu.

- Tỷ giá USD/VND ổn định trong một thời gian dài sẽ là một trong những yếu tố tích cực kích thích hoạt động nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh đồng USD tăng giá liên tục so với các đồng tiền khác trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, sự ổn định của thị trường ngoại hối với nguồn cung USD dồi dào sẽ giúp NHNN có thể đưa ra và thực hiện các giải pháp tài chính - tiền tệ chung tay cùng Chính phủ trong việc phục hồi sản xuất trong nước.

- Giá hàng hóa thế giới đang trong xu hướng giảm, đặc biệt là giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu chủ chốt như sắt thép, xăng dầu ...

Như vậy, trong một vài tháng tới hoạt động xuất khẩu có thể sẽ đạt mức tăng trưởng tương đối khả quan, tính chung tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2012 sẽ tăng khoảng 15 – 15,5% so với năm 2011 lên 111,8 tỷ USD, cao hơn 2,1% so với mục tiêu tăng 13% lên 109,5 tỷ USD mà Quốc hội và Chính phủ đã giao.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, mặc dù hiện cán cân thanh toán của Việt Nam đang ở tình trạng tốt, sức ép tăng tỷ giá vào cuối năm là không có nhưng để đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2012, chính sách tiền tệ phải chủ động, chứ không nên bị động, chạy theo sức ép như từ trước tới nay.