Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại
(Tài chính) Để đạt được thỏa thuận giữa các bên khi giải quyết tranh chấp là rất khó khăn. Do đó, việc thiết lập điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng giúp các bên tham gia hợp đồng đảm bảo quyền lợi tốt nhất.
Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định hai cơ chế giải quyết tranh chấp là Tòa án và Trọng tài thương mại. Vậy thoả thuận điều khoản giải quyết tranh chấp như thế nào là phù hợp với pháp luật?
Trọng tài thương mại chỉ giải quyết các vụ việc mà trước đó các bên đã có thỏa thuận chọn Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Nếu một bên khởi kiện tại Tòa án sau khi có thoả thuận này thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.
Vậy, muốn được giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thì các bên phải có thỏa thuận và thỏa thuận đó phải có hiệu lực và có thể thực hiện được.
Khi xác lập thỏa thuận trọng tài phải chú ý những điểm sau:
- Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng, hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
- Trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì các bên được chọn ngôn ngữ sử dụng để tiến hành tố tụng và luật áp dụng theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
- Nên thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp sao cho thuận lợi nhất đối với các bên.
- Cần xác định đúng tên trung tâm trọng tài.
Trong trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết vụ việc. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án được các bên lựa chọn, nếu phù hợp với quy định của pháp luật.
Thẩm quyền giải quyết vụ án là một chế định của pháp luật, Bộ luật Tố tụng dân sự đã phân định rõ thẩm quyền Tòa án theo vụ việc, lãnh thổ và theo cấp Toà án, nếu không đúng thẩm quyền, Toà án buộc phải chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền hoặc trả lại đơn khởi kiện nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Đối với thẩm quyền theo lãnh thổ, luật quy định nguyên tắc chung Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi bị đơn cư trú. Nhưng nếu các bên đã có thoả thuận giải quyết tranh chấp tại Tòa án nơi nguyên đơn cư trú thì vẫn được chấp nhận hoặc thẩm quyền sẽ thuộc về tòa nơi có bất động sản (đối với tranh chấp về bất động sản).
Trên thực tế nhiều hợp đồng có điều khoản giải quyết tranh chấp xác định tranh chấp sẽ được giải quyết tại Tòa án Quận XYZ nhưng những thoả thuận này không chắc chắn có giá trị pháp lý vì Tòa án Quận XYZ chưa chắc đã là tòa án có thẩm quyền.
Đối với trường hợp các bên có xu hướng lựa chọn tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp, PLF cho rằng các bên tham gia hợp đồng nên xem xét kỹ yếu tố về thẩm quyền giải quyết của tòa án mà các bên đã lựa chọn, điều này tạo thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh.