Điều tra kỳ vọng lạm phát: Nghiên cứu trên thế giới và liên hệ tại Việt Nam

Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Giang - Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Để hiện thực hóa mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức thấp, các ngân hàng trung ương tìm cách nắm bắt kỳ vọng lạm phát nhằm kiểm soát và “neo giữ” lạm phát trong tương lai phù hợp với mục tiêu đề ra. Những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đo lường kỳ vọng lạm phát thông qua các cuộc điều tra đối với các tổ chức tín dụng. Kết quả cho thấy, chuỗi kỳ vọng lạm phát theo tháng là không chênh lệch so với thực tế. Tuy nhiên, cần nhiều thời gian để có đủ dữ liệu đánh giá chuỗi kỳ vọng lạm phát với khoảng kỳ vọng (1 năm, 2 năm…), đồng thời mở rộng đối tượng điều tra nhằm gia tăng tính đại diện cho mẫu điều tra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tầm quan trọng của kỳ vọng lạm phát

Kỳ vọng lạm phát quan trọng bởi đó là những gì mà công chúng nghĩ về lạm phát trong tương lai và khi niềm tin ấy được hình thành nó sẽ tác động tới thực tế. Kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế học tiền tệ đã khẳng định thực tế này ngay từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước.

Một ví dụ đơn giản là nếu người dân tin lạm phát sẽ cao, hay nói cách khác đồng tiền sẽ mất giá mạnh trong năm tới thì họ sẽ có xu hướng giữ ít tiền hơn từ hôm nay. Lượng tiền đó có thể được đầu tư vào bất động sản hay các hàng hóa có khả năng bảo toàn giá trị và đẩy giá các hàng hóa đó tăng cao. Các doanh nghiệp nếu cũng cho rằng lạm phát sẽ tăng khoảng 10% trong năm tới thì ngay từ năm nay họ phải tính tới khả năng chi phí đầu vào tăng và giá cả đầu ra vì thế cũng tăng theo.

Hay đơn giản hơn, những người bán hàng nhỏ lẻ vốn khá nhạy cảm với giá các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng…  thì khi giá các hàng hóa này tăng, họ cũng thường có xu hướng nâng giá các mặt hàng đang kinh doanh. Những ví dụ trên cho thấy, nếu đa số người dân và doanh nghiệp kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trong tương lai thì vô hình trung sẽ tạo nên áp lực đối với lạm phát thực tế, kết quả là lạm phát thực tế sẽ có xu hướng tăng.

Điều tra kỳ vọng lạm phát: Nghiên cứu trên thế giới và liên hệ tại Việt Nam - Ảnh 1

Tầm quan trọng của kỳ vọng lạm phát còn được thể hiện qua sự trả giá khi người ta không nhận thức rõ vai trò của nó. Theo Jeffrey Lacker - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khu vực Richmond, không phải bao giờ các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của kỳ vọng lạm phát. Bài học đắt giá đối với nền kinh tế Mỹ vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước là một trong những ví dụ điển hình.

Khi đó, kinh tế Mỹ rơi vào tình thế lạm phát tăng mạnh đồng thời với tỷ lệ thất nghiệp cao. Tỷ lệ lạm phát cơ bản tăng từ mức 1,5% vào giữa những năm 60 lên tới hơn 10% vào giữa những năm 70 và quanh ngưỡng 10% vào năm 1980. Để kéo lạm phát xuống, Paul Volcker - Chủ tịch Fed khi đó đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất lên mức trên 10%, thậm chí có thời điểm lên đến 20%. Kết quả là đến cuối năm 1982, lạm phát đã được khống chế ở mức dưới 5% và ổn định ở mức thấp hơn trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cuộc chiến chống lạm phát của nước Mỹ không hề nhỏ. Kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái nghiêm trọng do lãi suất tăng nhanh khiến người vay vốn ngân hàng và các doanh nghiệp vỡ nợ hàng loạt. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức gần 11% vào cuối năm 1982 khiến người dân Mỹ phẫn nộ. Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ cho rằng, chính sách của Volcker đang “phá hủy các doanh nghiệp nhỏ, phá hủy giấc mơ Mỹ” và yêu cầu Volcker từ chức.

Đo lường kỳ vọng lạm phát bằng phương pháp điều tra

Với vai trò quan trọng của kỳ vọng lạm phát, đến nay ngày càng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tìm cách đo lường và neo giữ kỳ vọng lạm phát. Đối với ngân hàng trung ương của các nước phát triển và đặc biệt các ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế lạm phát mục tiêu thì đo lường kỳ vọng lạm phát đã trải qua một quá trình kéo dài nhiều chục năm.

Có hai phương pháp đo lường kỳ vọng lạm phát chủ yếu là đo lường trên cơ sở thị trường và đo lường thông qua các cuộc điều tra đối với hộ gia đình, doanh nghiệp hoặc các chuyên gia kinh tế. Đo lường kỳ vọng lạm phát trên cơ sở thị trường chỉ có thể thực hiện được ở một số nền kinh tế có thị trường tài chính phát triển. Vì vậy, đo lường kỳ vọng lạm phát thông qua các cuộc điều tra đến nay vẫn là phương pháp được các ngân hàng trung ương sử dụng một cách phổ biến nhất.

Điều tra kỳ vọng lạm phát: Nghiên cứu trên thế giới và liên hệ tại Việt Nam - Ảnh 2

Các cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát được thực hiện sớm nhất tại Mỹ với 2 cuộc điều tra điển hình đối với các chuyên gia kinh tế là cuộc điều tra do Joseph Livingston - một nhà báo của tờ Philadelphia Record - thực hiện từ năm 1946.

Fed khu vực Philadelphia tiếp quản cuộc điều tra này sau khi Livingston qua đời vào năm 1989 và tiếp tục các cuộc điều tra từ đó đến nay. Năm 1990, Fed tại Philadelphia cũng tiếp quản một cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát khác được thực hiện từ năm 1968 bởi Hiệp hội Thống kê Mỹ và Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia.

Kỳ vọng lạm phát cũng được thu thập thông qua các cuộc điều tra người tiêu dùng mà trong đó có các câu hỏi về lạm phát. Đó là cuộc điều tra do Đại học Michigan tiến hành từ năm 1946 và gần đây nhất là cuộc điều tra kỳ vọng của người tiêu dùng do Fed New York  khởi động vào năm 2014.

Trong một nghiên cứu được công bố vào đầu năm 2016 tại một hội thảo quốc tế tổ chức tại Pháp, Jeffrey Lacker - Chủ tịch Fed khu vực Richmond nhận xét: Kỳ vọng lạm phát được đo lường bằng phương pháp điều tra đối với các chuyên gia kinh tế là kết quả của “sự thông thái đám đông”, của các chuyên gia có phương pháp, kinh nghiệm và cả trực giác tốt trong việc đưa ra kỳ vọng lạm phát.

Mặc dù không khẳng định một cách rõ ràng phương pháp điều tra nào mang lại kết quả tốt hơn nhưng theo Jeffrey Lacker, một người tiêu dùng bình thường sẽ thường có xu hướng bị tác động thái quá bởi những biến động giá cả hàng ngày, ví dụ như giá xăng chẳng hạn. Vì vậy, điều này có thể giúp giải thích vì sao kỳ vọng lạm phát đo lường từ các cuộc điều tra người tiêu dùng có xu hướng cao hơn lạm phát thực tế một cách đáng kể.

Điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao kéo dài. Trong năm 2014 và 2015, lạm phát thấp một cách bất thường. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, lạm phát có xu hướng tăng cao trở lại.

Thực tế này cùng với nhiệm vụ “phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020” đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác dự báo và kiểm soát lạm phát. Trong đó, việc đo lường kỳ vọng lạm phát là một đòi hỏi cấp thiết về trước mắt cũng như lâu dài đối với một ngân hàng trung ương hiện đại.

Nhận thức rõ vai trò của kỳ vọng lạm phát, từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thí điểm điều tra kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam và từ đầu năm 2016 đến nay, điều tra kỳ vọng lạm phát đối với hơn 100 tổ chức tín dụng đã được đưa vào chương trình điều tra chính thức của NHNN.

Điều tra kỳ vọng lạm phát: Nghiên cứu trên thế giới và liên hệ tại Việt Nam - Ảnh 3

Từ đó, đến nay đã có trên 40 cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát được thực hiện và công bố hàng tháng trên website của NHNN. Do điều tra kỳ vọng lạm phát lần đầu tiên được thực hiện định kỳ tại Việt Nam nên khoảng thời gian kỳ vọng trong các câu hỏi về CPI cũng như các biến số kinh tế khác như lãi suất, tỷ giá VND/USD, tăng trưởng GDP tương đối ngắn, tối đa là 12 tháng.

Ví dụ như câu hỏi: Kỳ vọng CPI của quý đơn vị tháng tới so với tháng hiện tại; kỳ vọng CPI tại tháng cuối quý hiện tại so với cuối năm trước; kỳ vọng CPI tháng 12/2017 so với tháng 12 năm trước. Các câu hỏi về kỳ vọng đối với các biến số kinh tế vĩ mô khác cũng được hỏi theo cấu trúc kỳ hạn tương tự. Kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát mỗi tháng được tính bằng trung bình cộng các giá trị kỳ vọng được thu thập từ các tổ chức tín dụng.

Đánh giá kết quả đo lường kỳ vọng lạm phát và đề xuất

Đánh giá chất lượng của chuỗi kỳ vọng lạm phát là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho công tác đo lường kỳ vọng lạm phát. Với bộ dữ liệu thu được sau gần 5 năm tiến hành điều tra, việc đánh  giá chất lượng chuỗi kỳ vọng lạm phát theo năm (kỳ vọng lạm phát cho năm sau tại thời điểm cuối năm trước) bằng phương pháp kiểm định thống kê là không thể thực hiện được do số lượng quan sát quá ít. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể kiểm định chuỗi kỳ vọng lạm phát theo tháng (kỳ vọng lạm phát cho tháng sau tại thời điểm cuối tháng trước).

Cách đơn giản nhất để đánh giá kỳ vọng lạm phát tốt đến mức nào là so sánh giá trị kỳ vọng lạm phát tại mỗi tháng cụ thể với giá trị thực tế của nó và so sánh chuỗi kỳ vọng lạm phát của Việt Nam với các nước khác trong cùng một giai đoạn. Nghiên cứu này so sánh chuỗi kỳ vọng lạm phát tháng (CPI - mom) của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn từ tháng 1/2014 đến tháng 11/2017.

Bảng 1. Sai số đo lường kỳ vọng lạm phát - CPI (Tháng)

(Từ tháng 1/2014 đến tháng 11/2017)

Nước

Việt Nam

Thổ Nhĩ Kỳ

RMSE (sai số trung bình)

0,32%

0,56%

MAE (sai số trung bình tuyệt đối)

0,25%

0,4%

Độ lệch chuẩn CPI thực tế

0,308%

0,709%

Độ lệch chuẩn CPI kỳ vọng

0,162%

0,315%

Trong trường hợp Việt Nam, CPI kỳ vọng (theo tháng) có xu hướng biến động khá tương đồng với CPI thực tế nhưng mức độ biến động của CPI kỳ vọng thấp hơn (Hình 1), hay nói cách khác, đường CPI kỳ vọng “trơn” hơn đường CPI thực tế. Khi so sánh chuỗi CPI kỳ vọng và CPI thực tế (tháng) của Thổ Nhĩ Kỳ (Hình 2) cũng có hiện tượng tương tự.

Điều này giải thích bởi CPI hàng tháng thường biến động rất nhanh và khó lường, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 quốc gia đến nay giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn được kiểm soát mà thời điểm điều chỉnh và mức độ điều chỉnh không phải khi nào thị trường cũng có thể nắm bắt một cách chính xác.

Về mặt dữ liệu, đường CPI kỳ vọng  “trơn” hơn đường CPI thực tế trong cả trường hợp của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ còn thể hiện qua độ lệch chuẩn của chuỗi CPI thực tế lớn hơn độ lệch chuẩn của chuỗi CPI kỳ vọng (Bảng 1).

Điều tra kỳ vọng lạm phát: Nghiên cứu trên thế giới và liên hệ tại Việt Nam - Ảnh 4

Nhìn vào chuỗi kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, dễ nhận thấy CPI kỳ vọng (tháng) cao hơn CPI thực tế trong nhiều tháng của năm 2014. Tuy nhiên, trường hợp này diễn ra khá phổ biến, nhất là khi lạm phát quá khứ ở mức cao (2011: 18,13%, 2012: 6,81%, 2013: 6,04%) khiến thị trường tiếp tục kỳ vọng lạm phát cao theo quán tính trong khi trên thực tế lạm phát đã thể hiện xu hướng giảm một cách rõ ràng (năm 2014 lạm phát của Việt Nam chỉ còn 1,84%).

Nhìn vào dữ liệu (Bảng 1), sai số kỳ vọng đo lường thông qua chỉ số RMSE và MAE của chuỗi kỳ vọng lạm phát theo tháng của Việt Nam thấp hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một trong những phương pháp được nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới dùng phổ biến hiện nay khi đánh giá độ tin cậy của chuỗi kỳ vọng lạm phát là kiểm định xem chuỗi đó có bị chệch so với thực tế hay không.

Khái niệm không chệch ở đây được hiểu là kỳ vọng không vượt quá giá trị thực tế hoặc nằm dưới giá trị thực tế một cách có hệ thống. Để kiểm định độ chệch của CPI kỳ vọng so với CPI thực tế, hai phương pháp được dùng phổ biến nhất hiện nay là kiểm định Mincer - Zarnowitz (1969) và kiểm định Holden - Peel (1990).

- Kiểm định Mincer - Zarnowitz (1969) dựa trên cơ sở phương trình hồi quy sau:

πt= α +  β *πft|t-1 + ut

Trong đó:

πt: CPI (mom) thực tế thời điểm t

πft|t-1: CPI (mom) kỳ vọng cho thời điểm t được TCTD xác lập tại thời điểm t-1;

α, β: các hệ số hồi quy

Chuỗi dự báo được coi là không chệch, nếu việc kiểm định đồng thời α=0 và β=1 không bị từ chối thông qua kiểm định Wald (standard Wald test).

- Kiểm định Holden- Peel(1990) dựa trên cơ sở phương trình hồi quy sau:

et= α + ut

Trong đó: e = πt- πft|t-1

Chuỗi dự báo được coi là không chệch, nếu việc kiểm định α=0 không bị từ chối thông qua kiểm định T (T-test).

Điều tra kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam theo định kỳ tháng bắt đầu từ tháng 1/2014 đến nay. Tuy nhiên, do lạm phát năm thực tế (Hình 3) giảm đột ngột từ mức trên 6% trong các năm trước xuống dưới 2% trong năm 2014 tạo nên một sự thay đổi lớn về xu hướng lạm phát, nên nghiên cứu này chỉ kiểm định chuỗi CPI (tháng) cho giai đoạn từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2017 với 35 quan sát.

Kết quả (Bảng 2) kiểm định Mincer - Zarnowitz có p-value=0,169>0,05; kiểm định Holden - Peel có p-value=0,211>0,05. Như vậy, chuỗi CPI kỳ vọng là không chệch và có thể sử dụng được cho công tác phân tích và dự báo lạm phát ngắn hạn.

Từ kết quả trên, có thể khẳng định điều tra kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, với mục tiêu cuối cùng là xây dựng được một thước đo kỳ vọng lạm phát đáng tin cậy, phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách tiền tệ thì công tác đo lường kỳ vọng lạm phát cần tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở một số định hướng sau:

Thứ nhất, bên cạnh điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các tổ chức tín dụng, cần nghiên cứu mở rộng mẫu điều tra tới các đối tượng khác như hộ gia đình, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế… để kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát mang tính đại diện cao hơn.

Thứ hai, bổ sung câu hỏi điều tra để thu được thông tin về kỳ vọng lạm phát với khoảng kỳ vọng dài hơn như 2 năm tới, 3 năm tới… nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác dự báo và kiểm soát lạm phát.

Thứ ba, cần đánh giá kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát một cách đầy đủ hơn, nhất là kỳ vọng lạm phát cho khoảng kỳ vọng từ 1 năm trở lên khi chuỗi dữ liệu điều tra đủ dài.  

Tài liệu tham khảo

1. GS., TS. Nguyễn Thị Cành, TS. Trần Hùng Sơn, “Báo cáo thường niên thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 - Lạm phát và lạm phát kỳ vọng”, NXB Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, năm 2017;

2. PGS., TS. Tô Kim Ngọc, “Xác định ngưỡng lạm phát ở Việt Nam dựa trên phương pháp phi tham số”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, NHNN Việt Nam, năm 2015;

3. Jeffrey M. Lacker, “The Outlook for Inflation Expectations”, Banque de France, Paris - France, March 21,2016;

4. Baris Soybilgen and Ege Yazgan, “An Evaluation of Inflation Expectations in Turkey”, Central Bank Review, Central Bank of The Republic of Turkey, January 2017;

5. Rachel Adeney, Ivailo Arsov and Richard Evans, “Inflation Expectations in Advanced Economies”, Bulletin of Reserve Bank of Australia, March 2017.