Ngân hàng ngoại đẩy mạnh bán lẻ

Theo Việt Dũng/nhipcaudautu.vn

Các hoạt động M&A ngân hàng khối ngoại sôi nổi đến mức có nhận định cho rằng có một làn sóng ngân hàng đang rời bỏ thị trường Việt Nam...

Danh sách Top 10 ngân hàng nộp thuế nhiều nhất trong năm qua xuất hiện duy nhất 2 cái tên của đại diện nước ngoài: HSBC và Shinhan Bank Việt Nam. Nguồn: Internet
Danh sách Top 10 ngân hàng nộp thuế nhiều nhất trong năm qua xuất hiện duy nhất 2 cái tên của đại diện nước ngoài: HSBC và Shinhan Bank Việt Nam. Nguồn: Internet

Điều chỉnh chiến lược

Danh sách Top 10 ngân hàng nộp thuế nhiều nhất trong năm qua xuất hiện duy nhất 2 cái tên của đại diện nước ngoài: HSBC và Shinhan Bank Việt Nam, đều là những nhân tố đang đẩy mạnh bán lẻ tại thị trường Việt Nam. 

Năm 2017 lần đầu tiên ghi nhận những thương vụ M&A đáng chú ý, đặc biệt trên thị trường ngân hàng. Tiêu biểu cho thương vụ M&A ngân hàng ngoại trong năm có thể kể đến Shinhan Bank Việt Nam mua lại bộ phận khách hàng cá nhân của ANZ Việt Nam. Tiếp đến là việc chuyển nhượng chi nhánh TP. Hồ Chí Minh của Commonwealth Bank of Australia (CBA) cho VIB.

Thương vụ này được xem là chưa có tiền lệ khi một ngân hàng nội mua lại một phần hoạt động của đối thủ nước ngoài, đồng thời cũng là cổ đông chiến lược (hiện giữ 20% vốn điều lệ của VIB). CBA chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động vào năm 2008, hiện sở hữu dữ liệu 22.000 khách hàng.

Không chỉ vậy, trong năm qua có thể thấy nhận dòng vốn M&A diễn ra sôi động ở rất nhiều ngân hàng ngoại khác. Hợp tác gần 11 năm giữa HSBC và Techcombank cũng đã đến hồi kết khi Techcombank mua lại cổ phần của HSBC, đồng thời giảm tỉ lệ sở hữu khối ngoại tại Ngân hàng. Standard Chartered cũng toán tính thoái vốn khỏi ACB.

Các hoạt động M&A ngân hàng khối ngoại sôi nổi đến mức giữa năm nay có nhận định cho rằng có một làn sóng ngân hàng đang rời bỏ thị trường Việt Nam, nhưng thực tế dường như cho thấy điều ngược lại. Sự điều chỉnh chiến lược ở một vài ngân hàng không nói lên rằng thị trường ngân hàng Việt Nam đã hết hấp dẫn.
Có rất nhiều lý do đằng sau mỗi thương vụ thoái vốn, có thể là chốt lãi hoặc cắt lỗ, hoặc trục trặc giữa mối quan hệ giữa các bên, sự khác biệt về quan điểm tăng trưởng chiến lược, hay đơn giản chỉ vì khối ngoại có sự điều chỉnh chiến lược trọng tâm.
“Bên cạnh đó, thị trường tài chính tại Việt Nam hết sức cạnh tranh dẫn tới một số ngân hàng ngoại đang phải xem xét lại chiến lược để tìm chỗ đứng trên thị trường và để sử dụng đồng vốn đầu tư một cách hiệu quả”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.
Vẫn là đích ngắm bán lẻ
Không chỉ có những thương vụ M&A sôi nổi, các ngân hàng ngoại còn tăng cường hiện diện với mô hình 100% vốn nước ngoài. Tháng 7, United Overseas Bank Limited (Singapore) chính thức thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, sau những nỗ lực tiếp cận mua lại Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) không thành, nay đã là ngân hàng 0 đồng.
Hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động tại Việt Nam, cùng với đó là 41 tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Phần lớn là chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài, được lập ra để phục vụ cho doanh nghiệp cố quốc. “Một số trong đó phát triển thêm mảng bán lẻ”, ông Hải cho biết.
Tham gia thị trường từ sớm, HSBC chú trọng đầu tư vào mảng thẻ ngân hàng như thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế. “Hiện nay, HSBC là một trong những ngân hàng dẫn đầu về tổng giá trị thanh toán qua thẻ”, ông Hải cho biết. Trên thực tế, mục tiêu và chiến lược của HSBC tại Việt Nam không thay đổi.
Theo đó, HSBC Việt Nam định hướng vào hai nhánh quan trọng là dịch vụ tài chính doanh nghiệp và dịch vụ tài chính cá nhân. Theo đại diện HSBC Việt Nam, thẻ vẫn là lĩnh vực hết sức hấp dẫn, mặc dù cạnh tranh ngày càng cao khi thẻ tín dụng mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn trong tổng số lượng thẻ ngân hàng trên thị trường.
Trường hợp Shinhan Bank Việt Nam dễ lý giải hơn. Vốn có thế mạnh quan hệ với các doanh nghiệp Hàn Quốc, quốc gia đang dẫn đầu về lượng vốn đầu tư FDI cùng hành lang thương mại đáng kể, Shinhan Bank nay mong muốn được gia nhập thị trường bán lẻ và cách nhanh nhất rõ ràng là mua lại một hệ thống sẵn có.
"Theo đánh giá của cá nhân tôi, ngành ngân hàng bán lẻ của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Fintech, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế. Các sản phẩm ngân hàng số, với công nghệ bảo mật cao và cung cấp nhiều tiện lợi tối ưu, sẽ là mũi nhọn chủ lực và được đầu tư nhiều trong thời gian tới", ông Shin Dong Min, Tổng Giám đốc của Ngân hàng Shinhan, cho biết.Sau thương vụ mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam, Shinha sẽ có thêm 8 chi nhánh và phòng giao dịch mới trên toàn quốc và dự kiến sẽ có trên 125.000 khách hàng mới từ ANZ chuyển sang.
Trong vòng 3 -5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng ở Việt Nam, các ngân hàng trong và ngoài nước phải cạnh tranh quyết liệt để tăng thị phần. Theo ông Shin Dong Min, Shinhan sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ, trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm vay tiện ích, đầu tư công nghệ cho ngân hàng số và mở rộng các chương trình ưu đãi dành cho thẻ tín dụng. "Song song đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thu hút đầu tư từ các công ty Hàn Quốc có vốn FDI, cũng như khuyến khích các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam", ông Shin Dong Min cho biết.
Trong khi đó, CBA lý giải rằng Ngân hàng sẽ tập trung công việc là cổ đông chiến lược Ngân hàng VIB (tỉ lệ sở hữu 20%) hơn là thích chuyện quản lý hoạt động cụ thể của một chi nhánh có 22.000 khách hàng cá nhân. CBA cũng đang ấp ủ những dự án fintech riêng, vốn đang là một hiện tượng và xu hướng đầu tư trên thị trường tài chính hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên mà PwC nhận định ngành hàng bán lẻ cũng là 1 trong 5 lĩnh vực được dự đoán mang lại nhiều lợi nhuận trong tương lai. Theo ông Hải, các ngân hàng nội có ưu thế về mạng lưới chi nhánh và mối quan hệ được xây dựng từ lâu với cộng đồng địa phương, trong khi các ngân hàng nước ngoài lại có thế mạnh về các sản phẩm phức tạp được kiểm chứng qua nhiều thị trường, cùng mạng lưới và những mối quan hệ quốc tế.
Thực tế, các đối thủ nội cũng không hề lép vế. Các sản phẩm tài chính cá nhân ngày càng được ngân hàng nội chú trọng nhiều hơn. Bản thân Ngân hàng VIB cũng gây chú ý trên thị trường bằng thương vụ mua lại bộ phận kinh doanh của CBA ở TP. Hồ Chí Minh để phục vụ cho mục tiêu bán lẻ.
Một trường hợp điển hình khác là VPBank với phân khúc đặc biệt cho vay cá nhân mà trụ cột là Fe Credit. Năm 2013, VPBank ủng hộ việc cổ đông chiến lược là Ngân hàng OCB thoái vốn. Sau này, chia sẻ tại thời điểm VPBank niêm yết, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết, đôi khi không có khối ngoại thì khối nội có cơ hội chạy nhanh hơn. Các ngân hàng nội cũng không hề chậm chân trong cuộc đua thanh toán, số hóa dịch vụ ngân hàng.
Đánh giá về khối nội, ông Hải cho rằng khối nội đã thay đổi đáng kể tư duy, mở rộng danh mục sản phẩm đầu tư sâu hơn vào chất lượng, nhanh nhạy với số hóa. Thống kê từ 16 ngân hàng nội địa cho thấy một điểm chung là lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng nội khởi sắc trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng bình quân đến 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ngân hàng ngoại chỉ chiếm chưa tới 10% thị phần.
Thị trường ngân hàng ngày nay cũng đã thay đổi nhiều so với vài năm trước đây. Không chỉ nhờ đầu tư nước ngoài, thương mại tăng trưởng cao, mà còn có những bước tiến mới trong xử lý vấn đề nợ xấu tồn đọng.
Đó là cơ hội để các ngân hàng trong nước tìm cách vươn lên, tất nhiên sẽ không hề dễ dàng khi khối ngoại với kinh nghiệm về sản phẩm, đồng vốn tạo áp lực. Nhưng nhìn chung, sự cạnh tranh bán lẻ giữa nội và ngoại sẽ mang lại điểm tích cực cho thị trường, giúp người dùng hưởng lợi.