Định hình và tạo dựng một xã hội không sử dụng tiền mặt

PV.

Thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán…

Tăng cường tính minh bạch và thu hẹp nền kinh tế ngầm

Phát biểu tại Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” ngày 15/1/2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đã phân tích về một số lợi ích cụ thể của thanh toán điện tử đối với các chủ thể trong nền kinh tế, qua đó cho thấy hướng đến một xã hội phi tiền mặt dường như là một quá trình không thể đảo ngược.

Cụ thể, với người tiêu dùng, thanh toán điện tử đem lại tiện ích và bảo mật cao hơn do họ giờ đây không phải phiền phức với việc nắm giữ, xử lý tiền mặt, dễ dàng tiếp cận tới nguồn tiền trong tài khoản ngân hàng và có được sự bảo vệ bí mật thông tin tài chính cá nhân tốt hơn từ các mạng chuyển mạch giao dịch thanh toán cung cấp dịch vụ.

Với các đơn vị bán hàng chấp nhận thanh toán, thanh toán điện tử mang đến cho họ sự tiện lợi, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro, phần lớn có được do các đơn vị này không còn phải chịu chi phí xử lý lượng tiền mặt nắm giữ, thanh toán an toàn, bảo đảm hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế và thu hẹp nền kinh tế ngầm với những giao dịch tiền mặt không được báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, cùng với đó là mở rộng tài chính toàn diện đến khu vực dân chúng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.

Cuối cùng là các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch giao dịch thanh toán cũng hưởng lợi từ xu hướng tích cực này nhờ nâng cao hiệu quả xử lý và tăng doanh thu qua cung ứng một loạt sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng cộng thêm tới cơ sở khách hàng rộng lớn hơn.

Được biết, trong năm 2018, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch khách hàng.

Lĩnh vực thanh toán cũng đạt một số kết quả nổi bật như: Hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM ngày càng được hoàn thiện; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong phát triển TTKDTM; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - hệ thống thanh toán xương sống của Quốc gia - được vận hành hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt; Thanh toán qua internet, qua di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút lượng lớn khách hàng sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng khả quan; Một số NHTM đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được ngành Ngân hàng triển khai mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy TTKDTM.

Hướng đến một xã hội không sử dụng tiền mặt

Triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển TTKDTM, thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy TTKDTM, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cụ thể là:

Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành Ngân hàng tại Nghị quyết số 01, 02 năm 2019 của Chính phủ: Thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; Nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; Phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả một số đề án, chiến lược thuộc lĩnh vực thanh toán như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán giai đoạn 2014-2020.

Thứ ba, đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán; nghiên cứu, áp dụng các ứng dụng giải pháp, công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như mã QR code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán phi tiếp xúc, xác thực sinh trắc học…nhằm tăng cường đổi mới, tạo sự phát triển bức phá trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán.

Thứ tư, triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện; thực hiện thí điểm một số mô hình thanh toán mới, ban hành và áp dụng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Thứ năm, tăng cường giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả; triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động thanh toán vi phạm pháp luật.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.