Độ bao phủ tin, bài phản ảnh về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng rộng khắp

V. Hà

Thời gian qua, BHXH Việt Nam phối hợp tích cực, hiệu quả với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương thực công tác thông tin, tuyên truyền.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban chấp hành Trung ương đặt ra, công tác thông tin, tuyên truyền được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng.

Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam phối hợp tích cực, hiệu quả với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai công tác này.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong năm 2018 đã có hơn 10 nghìn cuộc đối thoại, tọa đàm, phố biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT và thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Bên cạnh đó, đã có hơn 30.000 tin, bài nguồn liên quan trực tiếp đến ngành BHXH đã góp phần quảng bá hình ảnh, hoạt động và các kết quả mà ngành BHXH đạt được, tiếp tục củng cố vai trò, vị trí của BHXH Việt Nam trong việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả hai chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc phối hợp truyền thông với các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương được thực hiện chủ động, tích cực  đã nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về BHXH, BHYT và thu hút được sự quan tâm của xã hội; nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền đã chủ động nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương được mở rộng, tiến hành thường xuyên liên tục với độ bao phủ các tin, bài phản ảnh về BHXH, BHYT, BHTN rộng khắp; nội dung, hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều chương trình thông tin được thực hiện sinh động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Ngành được triển khai chủ động, truyền tải đầy đủ, kịp thời, chính xác, nhiều chiều thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước, của các bộ ngành liên quan. Bên cạnh việc triển khai các hình thức truyền thông truyền thống đã từng bước thực hiện các hình thức truyền thông mới như: Video clip, audio, inphographics...

Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai các chương trình truyền thông trọng tâm, trọng điểm, bám sát những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Chủ động khai thác, tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung thông tin về hoạt động của Ngành; phản ánh toàn diện kết quả, mô hình và kinh nghiệm hoạt động của các lĩnh vực nghiệp vụ, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ của Ngành.

Để phát huy hiệu quả của công tác truyền thông năm 2019, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người dân; tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo, đài ở Trung ương và các địa phương để tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

Ông Đào Việt Ánh cho rằng, thông tin, truyền thông phải làm tốt công tác định hướng dư luận; tập trung nhiều hơn vào nội dung người dân quan tâm, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là những vấn đề dư luận đang quan tâm và các chính sách mới...