Đô thị 4 tỷ USD “thông minh” đến mức nào?
Ngày 17/6, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho liên doanh BRG - Sumitomo xây dựng dự án "Thành phố thông minh Bắc Hà Nội" có tổng vốn hơn 4 tỷ USD.
Thành phố mà liên doanh BRG - Sumitomo dự định khởi công vào tháng 9 tới gồm các hạng mục chính: Toà nhà trung tâm tài chính, các tiện ích từ trường học, đường tàu cao tốc, quảng trường, đường giao thông và nhà ở hỗn hợp. Theo đại diện của liên doanh thì “Thành phố được quản lý bằng quy trình của Nhật Bản. Nhà đầu tư sẽ đưa công nghệ cao vào, hiện đại hoá các quy trình, mọi thứ được tự động hoá, dùng năng lượng mặt trời, có nhà máy nước riêng. Đây sẽ là đô thị thông minh đầu tiên về hạ tầng”. Vậy thành phố sẽ "thông minh" như thế nào?
Về cơ bản, đây sẽ là thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, thành phố sử dụng bộ 3: Trí tuệ nhân - Hệ thống cảm biến - Mạng viễn thông phục vụ cho quản lý và phát triển.
Có thể đưa ra một vài ví dụ, như sử dụng hệ thống dùng cảm biến để quản lý đèn đường, qua đó giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng; Sử dụng cảm biến để theo dõi tình hình rò rỉ nước sạch nhằm chống thất thoát nước cấp cho thành phố; Sử dụng thiết bị giám sát mức ô nhiễm trong không khí để kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo cho người dân, nhất là những người dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp kịp thời đối phó; Dùng cảm biến để xác định số xe trong bãi, liên kết các bãi xe trong khu vực để điều phối bãi đỗ, giao thông cũng như hỗ trợ lái xe...
Tại buổi trao giấy chứng nhận đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội đẩy nhanh triển khai dự án "Thành phố thông minh Bắc Hà Nội" thông qua việc kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính để tạo bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội.
Theo Thủ tướng, đã là thành phố thông minh thì phải giảm thời gian và lượng người tham gia giao thông trên đường, mọi giao dịch hành chính, giao dịch công cần được tăng cường thực hiện trực tuyến.
Được biết, dự án thành phố thông minh nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài vì tính khả thi của nó trong thời đại công nghiệp 4.0. "Một trong số những kế hoạch phát triển của Hà Nội có đề cập hướng đến một đô thị thông minh, với nền tảng công nghệ và có kết nối tốt về điện tử. Chúng tôi rất quan tâm và sẵn sàng đồng hành với Hà Nội trong lĩnh vực này", ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nói.