Phú Quốc: Hạ nhiệt nhưng không “đóng băng“
Từ khi Chính phủ chỉ đạo ba địa phương có đặc khu tương lai dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp và đặc biệt là quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu kinh tế khiến giao dịch bất động sản tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trở nên trầm lắng. Người dân bản địa khấp khởi mừng, còn nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng ôm "cục nợ" vẫn không thoát được hàng.
Tại Phú Quốc, hàng chục văn phòng môi giới nhà đất vào cảnh "chợ chiều" khi Quốc hội lùi thời gian thông qua dự thảo Luật Đặc khu. Đi theo hàng chục văn phòng này là hàng trăm nhà đầu tư ngắn hạn đang ôm khá nhiều đất nền mà chưa thể chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng được.
Giao dịch ảm đạm
Chị Bảo Tâm, một nhà đầu tư tại Hà Nội đã "thoát" được ba mảnh đất thổ cư ở đường 30/4 thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc. Chị Tâm cho biết ngay từ cuối tháng 4, chị may mắn bán luôn ba mảnh, lời được 400-500 triệu/ mảnh có diện tích 230- 150 m2.
"Tôi may mắn đã bán được ba mảnh đất, mặc dù đất có sổ đỏ, nhưng cho đến nay, với quyết định lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu, mọi giao dịch tại Phú Quốc đều "đóng băng", chị Tâm nói.
Không may mắn được như chị Bảo Tâm, nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đang ôm "quả đắng", khi còn trong tay hàng ngàn m2 đất nông nghiệp, đất rừng; hàng trăm m2 đất thổ cư không thể giao dịch được mà có đăng bán cũng không ai gọi điện thoại hỏi mua. Giá cả thì giảm hàng ngày.
Một nhà đầu tư khác tại Hà Nội cho hay, anh có 4 lô đất liền kề đã có sổ hồng, 130 m2 ở ngay đường Búng Gội, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Anh "chậm chân" nên đang còn "đống nợ" này, tiền thì vay ngân hàng. Trước khi có quyết định dừng chuyển nhượng, anh không cần rao bán vẫn có người tìm được tới chủ mảnh đất. Nay rao trên mạng cả 10 ngày nay mà không ai hỏi tới. Trước đây, mỗi lô này có giá 2,5- 3 tỷ đồng, hiện anh đang rao giá 1,4 tỷ đồng.
Theo một lãnh đạo Trung tâm giao dịch bất động sản G68 (Phú Quốc), giao dịch bất động sản tại Phú Quốc trầm lắng kể từ tháng 5, nhất là gần đây, khi Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu kinh tế sang kỳ họp sau, thị trường bất động sản khu vực này lại càng chững lại.
Cũng theo bà Nhài, hiện ở Phú Quốc chủ yếu chỉ còn giao dịch đất thổ cư, hoặc đất quy hoạch thổ cư, đất dự án khu Bãi Trường. Với các sản phẩm này, giao dịch chậm hơn thời gian trước. Đối với đất công diện tích lớn, do Luật Đặc khu chưa được thông qua, quy hoạch lên đặc khu bị lùi lại, nên giá giảm mạnh.
Thị trường vẫn tiềm năng
Nói về tiềm năng phát triển của bất động sản Phú Quốc trong tương lai, đại diện Trung tâm giao dịch bất động sản G68 cho rằng Phú Quốc có ưu thế rất lớn về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, nhiều nhà đầu tư lớn đã có mặt.
Những năm 2015 – 2017, thị trường bất động sản Phú Quốc có chững lại về giao dịch song các chủ đầu tư vẫn phát triển các dự án thực sự, việc đầu tư các khách sạn, nhà hàng vẫn được triển khai xây dựng. Do đó, đến năm 2017 – 2018, giao dịch bất động sản tại đây đã khởi sắc trở lại.
"Thời gian tới, nếu Phú Quốc không trở thành đặc khu kinh tế thì dù không có bước phát triển bứt phá nhưng địa phương này vẫn có thể phát triển bình thường như những năm vừa qua", vị lãnh đạo doanh nghiệp này kỳ vọng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng Phú Quốc sở hữu những lợi thể hơn hẳn Vân Đồn, Bắc Vân Phong về cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư.
Tại Phú Quốc, chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở các hoạt động phân lô tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chứ không dừng mọi hoạt động giao dịch như Vân Đồn.
Thực chất, việc kinh doanh tại Phú Quốc vẫn phát triển, lượng khách trong và ngoài nước vẫn ổn định. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các địa điểm tham quan luôn luôn chật kín khách cả bốn mùa.
Trước đó, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra rằng nguyên nhân khiến bất động sản Phú Quốc có cơ hội phát triển mạnh là do lượng khách du lịch đến với Phú Quốc ngày càng lớn, tỷ lệ lấp đầy các phòng khách sạn cho thuê luôn cao và trải đều ở tất cả các tháng trong năm.
"Trong thời gian chờ lên đặc khu, giao dịch sẽ trở về giá trị thực, khó có hiện tượng chênh giá, sốt nóng như giai đoạn trước và có khả năng sẽ ổn định trong thời gian dài", ông Đính nói.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc và lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Tương lai không xa, thị trường bất động sản ở khu vực này sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc.