Doanh nghiệp bán lẻ: Sức ép cạnh tranh lớn
(Tài chính) Thị trường bán lẻ Việt Nam năm qua biến động mạnh với các thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám, những “cuộc lấn sân” của các doanh nghiệp ngoại và tham vọng giành vị trị đẹp để mở rộng mạng lưới kinh doanh rất mạnh mẽ.
Bức tranh hệ thống bán lẻ
Số liệu của Tổng cục thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước tính đạt 2.945,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013. Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm đạt 2.216 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2013. Cùng với tốc độ tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, đây là những con số hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư muốn kiếm lợi trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.
Chưa năm nào các cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ lại diễn ra mạnh mẽ như năm 2014, từ các thương vụ lớn giữa các đại gia nước ngoài đến các vụ thỏa thuận hợp tác giữa các nhà bán lẻ nước ngoài và bán lẻ trong nước. Đặc biệt là thỏa thuận mua lại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, Family Mart của Tập đoàn BJC (Thái Lan). Với thương vụ này, BJC tận dụng được mạng lưới bán lẻ sẵn có với 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản sẵn có liên quan trị giá 655 triệu Euro. Trước đó, BJC đã thực hiện hàng loạt cuộc M&A, với mục tiêu hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và bán sỉ tại thị trường Việt Nam.
Không chỉ “ngoại mua ngoại” như trường hợp BJC mua Metro, vụ Vingroup mua lại OceanMart và đổi tên hệ thống siêu thị này thành VinMart cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của lĩnh vực này trong năm 2014. Đầu tháng 10/2014, Tập đoàn Vingroup công bố mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail, đánh dấu việc tham gia sâu hơn vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam. Ocean Retail khi về Vingroup được đổi tên thành Công ty cổ phần siêu thị VinMart.
Vingroup cũng đồng thời công bố hai thương hiệu mới VinMart và Vinmart cùng với kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ gồm 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam trong vòng 3 năm tới. Không dừng lại ở đó, bước tiếp theo trong tham vọng phát triển mạng lưới bán hàng của mình, VinMart đã thuê lại mặt bằng bán lẻ của siêu thị 79 Market của Tập đoàn AlphaNam khi tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh này chỉ sau chưa đầy nửa năm gia nhập.
Gần nhất, Aeon - thương hiệu bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - cho biết, đã liên kết với 2 doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam là Fivi Mart và Citi Mart. “Liên kết” này, theo giải thích của Aeon việc hãng này cho biết sẽ góp 30% vốn vào Fivi Mart và 49% vốn vào Citimart, có thể gọi đó là cuộc “hôn nhân” của 2 nhà bán lẻ nội, với nhà bán lẻ ngoại đến từ Nhật Bản.
Theo Aeon, hãng chọn “liên kết” với Fivi Mart và Citi Mart vì đây là 2 doanh nghiệp bán lẻ có thế mạnh, có truyền thống tại thị trường Việt Nam. Trong đó, mỗi doanh nghiệp sở hữu thương hiệu này đã có chuỗi khoảng 20 siêu thị, tất cả đều ở các đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với doanh số kinh doanh hàng năm hàng nghìn tỷ đồng.
Khi “liên kết” với Fivi Mart và Citi Mart, Aeon sẽ cung cấp các sản phẩm mang thương hiệu hàng đầu của hãng để bán trong hệ thống của Citi Mart và Fivi Mart. Đồng thời, Aeon sẽ cung cấp, huấn luyện hệ thống quản lý, tiêu thụ cho 2 siêu thị này.
Theo Aeon, trong tương lai, thương hiệu Citimart sẽ đổi tên thành Aeon Citimart, việc đổi tên này nằm trong chiến lược của hãng, với việc sẽ hình thành chuỗi 200 cửa hàng, siêu thị, lớn nhất trong số các nhà bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
Việc Aeon “kết hôn” thành công với Fivi Mart và Citi Mart không còn là điều lạ với ngành bán lẻ trong nước. Từ vài năm qua, hàng loạt tên tuổi của ngành bán lẻ nội địa đang phải vật lộn chỉ để tồn tại, chứ chưa bàn tới phát triển.
Thế nên, việc Fivi Mart và Citi Mart liên kết được với Aeon thậm chí có thể xem là điều may mắn. Khi 2 thương hiệu này tránh được cảnh tiếp tục lụn bại vì khó cạnh tranh trên thị trường các đô thị lớn đang quá chật hẹp với các nhà bán lẻ.
Bên cạnh đó, Central Group (cũng của Thái Lan) đã mở một siêu thị tại Hà Nội và chuẩn bị mở siêu thị thứ hai tại Tp.HCM, CP Group đang chuẩn bị phát triển hệ thống bán lẻ với 9 siêu thị tại Việt Nam.
Ngoài ra, hiện Lotte Mart của Hàn Quốc đã có 7 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập đoàn này đặt mục tiêu sẽ mở tới 50 TTTM cho đến năm 2018. E-Mart - một thương hiệu bán lẻ lớn khác của Hàn Quốc - cũng đã xuất hiện tại Việt Nam, thông qua liên doanh với Tập đoàn U&I Việt Nam và một kế hoạch đồ sộ mở chuỗi 52 siêu thị trong thời gian trước năm 2020.
Một cách đơn giản, có thể hình dung tương lai phân khúc siêu thị, trung tâm thương mại của ngành bán lẻ Việt Nam là hoàn toàn phụ thuộc các nhà đầu tư ngoại. Cuộc đua gia tăng quy mô của các nhà bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2015 khi mấu chốt thành công trong lĩnh vực bán lẻ là có được mạng lưới rộng khắp. Khi đã nắm trong tay hệ thống bán lẻ rộng khắp với thị phần lớn, nhà bán lẻ sẽ trở thành người định hướng thị trường và nhà sản xuất, thậm chí thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Bán lẻ nội yếu thế
Về lý thuyết, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chia thành hai mảng sáng tối rất rõ rệt. Trong đó, nửa “ngày càng tối” là thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam với việc dần mòn mất đi những thương hiệu bán lẻ “thuần Việt”. Nửa “sáng” là sự tham gia nhộn nhịp của ngày càng nhiều các nhà bán lẻ ngoại vào thị trường nội.
Gần nhất, gần như cùng lúc với việc Aeon công bố mua lại cổ phần lớn của Fivi Mart và Citi Mart, là việc hệ thống siêu thị điện máy TopCare đã đóng cửa, hay có thể nói là phá sản không chính thức.
Trước đó, trong 5 năm qua, đã có tới 5 “đại gia” bán lẻ điện máy phá sản. Đó là hệ thống siêu thị điện máy “bán hàng kiểu Mỹ” mang thương hiệu WonderBuy của Công ty cổ phần Hợp Nhất (2011), là Best Carings tại Hà Nội (2012), là HomeOne của Công ty cổ phần Tiên Phong (2013), là Việt Long của Công ty cổ phần Việt Long. Có thể kể thêm là hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã bán cho một doanh nghiệp Thái Lan.
Nhưng nếu như sự sụp đổ của hàng loạt các thương hiệu bán lẻ nội có thể coi như là “dư địa” của khủng hoảng kinh tế, thì sự xuất hiện ồ ạt của các nhà bán lẻ ngoại tại thị trường lại cho thấy thực tế khác. Rõ ràng, các nhà đầu tư ngoại phải thấy được tiềm năng lợi nhuận từ thị trường Việt Nam thì mới chịu đầu tư ngay cả trong thời điểm khó khăn.
Chủ một doanh nghiệp bán lẻ điện máy đã phá sản cho biết, ngay từ tư duy, phần lớn doanh nghiệp nội đầu tư siêu thị chủ yếu hi vọng hình thức bán lẻ này vẫn còn là “sang trọng” với đa số người tiêu dùng, và do thế vẫn có thể hút khách với dịch vụ cao, giá thành thấp.
Đó là toan tính sai lầm giờ ai cũng thấy. Nhưng với các nhà quản lý, họ chỉ cần ký cho phép nếu doanh nghiệp mở siêu thị, còn nếu là cửa hàng bán lẻ, hoặc chuỗi cửa hàng bán lẻ, thì dơn giản là chỉ cần có đăng ký kinh doanh với cấp quận, huyện là đủ.
Nói cách khác, tư duy và quy định quản lý chỉ “hình dung” tới siêu thị, mà không chú trọng nhìn nhận loại hình ấy trong tổng thể một hệ thống bán lẻ hoàn chỉnh của địa phương, quốc gia. Đã thế, siêu thị cũng chưa bao giờ được hình dung, hay có yêu cầu bắt buộc phải hình thành hệ thống các nhà cung cấp sản phẩm xuất xứ trong nước.
Kết quả là khi chương trình vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được tổ chức, chính các siêu thị được “động viên” - chứ không phải bắt buộc - mua và bán lẻ hàng Việt.
Thiếu sự ràng buộc ấy, hệ thống siêu thị tồn tại trong tình trạng không khác gì một cửa hàng tạp hóa cỡ lớn. Và khi không tạo được sự khác biệt có tính quyết định với các loại hình bán lẻ khác, thì không bất ngờ với suất đầu tư lớn, chi phí cao, siêu thị sẽ là loại hình đầu tiên “vỡ trận” khi gặp khó khăn.
Đó lại là điều khác biệt hoàn toàn khi các nhà bán lẻ ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam. Cùng với đầu tư của các doanh nghiệp này là hệ thống nhãn hàng riêng của hãng, chuẩn mực phục vụ riêng và từ đó xuất xứ hàng hóa cũng… riêng, thường là hàng hóa từ nước ngoài.
Nhưng chưa rõ là chiến lược phát triển bán lẻ nước ngoài có đề cập tới việc gắn phát triển và dùng kênh bán lẻ để kích thích sản xuất tại nước đó hay không.
Tại Việt Nam có mục tiêu ấy trong chiến lược bán lẻ. Vậy có nên giải thích sự thành công của doanh nghiệp ngoại trên thị trường Việt Nam như là kết quả của sự “đúng đắn” trong chiến lược phát triển bán lẻ? Cụ thể hệ thống CoopMart cũng đang tìm đường về các vùng nông thôn ở các tỉnh phía Nam. Mặc dù việc tổ chức bán hàng tại nông thôn của hệ thống siêu thị này vẫn chủ yếu là những chuyến hàng với địa điểm bán hàng lưu động. Từ đây, diện mạo bán lẻ đã có thay đổi theo hướng gia tăng sức nặng cho doanh nghiệp trong nước.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đúng mức hơn đến khâu phân phối với những quyết sách và hành động kiên quyết, từ quan điểm coi trọng vai trò của tiêu thụ trên chuỗi giá trị. Từ điều chỉnh sâu sắc quan điểm này mà đưa ra những chính sách quản lý nghiêm ngặt nhà phân phối nước ngoài. Đồng thời, đầu tư nghiêm túc, đúng mức cho lực lượng phân phối trong nước. Cũng cần nhanh chóng chấn chỉnh những hội chứng có nguy cơ tác hại phân phối như phong trào phá chợ xây trung tâm thương mại hoặc xây chợ theo chỉ tiêu, bất chấp các điều kiện phù hợp.
Bức tranh bán lẻ cũng có những mảng màu trầm lắng với tình trạng im hơi lặng tiếng của các trung tâm thương mại được xây dựng từ các chợ truyền thống. Trong khi đó, len lỏi trong các khu dân cư, hình thức bán lẻ kiểu “chợ cóc” vẫn mọc lên nhan nhản. Văn hóa mua bán đặc trưng của Việt Nam vẫn tồn tại song song cùng sự phát triển mạnh mẽ của bán lẻ hiện đại. Đổi thay là kết quả của chuyển động trên thị trường, và những chuyển động này được dự báo sẽ có những đường nét rõ rệt hơn trong năm 2015./.