Doanh nghiệp bảo hiểm sắp đổ bộ lên sàn


Hiện nhiều DN bảo hiểm đang khởi động việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung. Niêm yết dường như là động lực để giúp các DN này phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công.

Hiện nhiều DN bảo hiểm đang khởi động việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung. Niêm yết dường như là động lực để giúp các DN này phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công.

Tăng vốn gắn với niêm yết

HĐQT CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) vừa có nghị quyết về việc phát hành hơn 16 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ trên 335,099 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Theo đó, cổ đông sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11:1, nguồn vốn thực hiện từ các quỹ của Công ty. Số cổ phiếu còn lại, cổ đông được mua với tỷ lệ 5:2 (giá mua chưa được chốt). Hiện PJICO đang đợi sự chấp thuận tăng vốn của Bộ Tài chính và ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Cũng tại Nghị quyết kể trên, HĐQT PJICO đã thông qua việc niêm yết toàn bộ 50 triệu cổ phiếu của Công ty tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Hiện Công ty đang xúc tiến thủ tục, dự kiến trong vòng nửa đầu năm sau sẽ niêm yết.

CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang khởi động lại việc tăng vốn và lên kế hoạch niêm yết trên HOSE. Theo kế hoạch, PTI sẽ tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến DN này phải thực hiện tăng vốn là để đáp ứng yêu cầu của Bộ Tài chính.

Pháp luật quy định, DN kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ có mức vốn điều lệ đã góp bằng mức vốn pháp định (300 tỷ đồng) được kinh doanh bảo hiểm gốc các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ, trừ bảo hiểm hàng không, dầu khí, bảo hiểm vệ tinh.

Để kinh doanh một hoặc tất cả các loại hình bảo hiểm này, DN phải bổ sung vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 100 tỷ đồng. Do tham gia nghiệp vụ bảo hiểm vệ tinh nên PTI cần thực hiện tăng thêm 100 tỷ đồng vốn điều lệ.

Mặt khác, phục vụ việc mở rộng mạng lưới kinh doanh, PTI cũng phải tăng vốn thêm 50 tỷ đồng. Theo phương án tăng vốn của PTI, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới. Còn việc niêm yết, PTI đang làm thủ tục để có thể chào sàn HOSE trong năm 2010.

Tháng 9/2009, CTCP Bảo hiểm Nhà Rồng (Bảo Long) đã tái khởi động việc tăng vốn từ 172 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng. Theo phương án phát hành của DN này, một lượng lớn cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu. Chỉ khi việc phát hành cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên không thành công mới dành bán cho đối tác chiến lược với giá do HĐQT quyết định.

CTCK Rồng Việt là đơn vị bảo lãnh phát hành cho Bảo Long. Trong trường hợp phát hành cho cổ đông hiện hữu không thành công, CTCK Rồng Việt sẽ tìm đối tác bán tiếp hoặc mua vào và trở thành cổ đông của Bảo Long. Ngay sau khi tăng vốn, Bảo Long sẽ lên niêm yết trên HOSE. Hiện hồ sơ xin phát hành của Bảo Long đang được UBCK xem xét, chờ cấp phép của cơ quan này.

Trong số 3 đại diện của ngành bảo hiểm kể trên, Bảo Long là DN tiến gần đến việc niêm yết hơn cả. Cổ đông của DN này đã thông qua phương án, bản cáo bạch tăng vốn đã hoàn thành và hồ sơ đang được Bộ Tài chính, UBCK xem xét. Nhiều DN bảo hiểm có kế hoạch tăng vốn khác cũng kèm theo kế hoạch niêm yết.

Không có biến động về giá

Thông thường, khi DN có thông tin chuẩn bị lên sàn, giá cổ phiếu sẽ tăng do được nhiều NĐT tìm mua. Điều này là do kỳ vọng vào tính thanh khoản tăng và thông tin của DN sẽ minh bạch hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường niêm yết sụt giảm, thị trường OTC bất động, cổ phiếu của những DN rục rịch lên sàn không được NĐT quan tâm. Nếu có thì giá mua và giá bán khá xa nhau.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu PTI hiện được chào bán ở mức 22.000 đồng/cp, nhưng người mua chỉ trả 16.000 - 17.000 đồng/cp; cổ phiếu PJICO được rao bán ở mức 25.000 đồng/CP, nhưng giá mua chỉ là 17.000 đồng/cp...

Trên sàn niêm yết, ngày 17/12, cổ phiếu Tập đoàn Bảo Việt ("anh cả" trong ngành bảo hiểm) được giao dịch ở mức 26.100 đồng/cp, cổ phiếu Bảo Minh ở mức 19.500 đồng/cp. Bảo hiểm Dầu khí (PVI) ở mức 22.600 đồng/cp.

Trên sàn UPCOM, giá cổ phiếu Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp được chào bán ở mức xấp xỉ mệnh giá, nhưng không có người mua. Trên thị trường OTC, phần lớn cổ phiếu ngành bảo hiểm không có giao dịch, ngoại trừ một số cổ phiếu có kế hoạch niêm yết và có kết quả kinh doanh khả quan .

Giám đốc một DN bảo hiểm đang có kế hoạch niêm yết cho rằng, thị trường chính thức sụt giảm mạnh không thuận lợi cho việc lên sàn. "Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ. Để hoàn thiện thủ tục lên sàn, nhanh nhất cũng phải sang quý I, quý II/2010. Hy vọng lúc đó thị trường ấm lên, NĐT sẽ quan tâm đến TTCK, trong đó có cổ phiếu ngành bảo hiểm", vị giám đốc này nói.

Tăng vốn gắn với kế hoạch niêm yết là bước đi nhiều DN bảo hiểm đang thực hiện. Nhưng với việc giá cổ phiếu niêm yết đang ở mức khá rẻ, việc phát hành thành công của các DN trên thị trường OTC đang là thách thức không nhỏ với DN ngành này.

Theo Đông Hải
ĐTCK