Doanh nghiệp bất động sản vẫn gồng mình "vượt bão"
Số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể vẫn tiếp tục tăng trong 10 tháng qua. Nhiều doanh nghiệp gần đây còn thông báo ngưng hoạt động, nợ lương, một số thì tiếp tục cắt giảm nhân sự để cầm cự giữa bối cảnh thị trường chưa có nhiều điểm sáng.
Mới đây, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) ở TP. Hồ Chí Minh phát đi thông báo ngừng hoạt động và cho toàn bộ cho nhân viên nghỉ việc không lương cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do nguồn tài chính của doanh nghiệp này vô cùng khó khăn, không có nguồn thu để chi trả.
HDTC cho biết, để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, HĐQT đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HDTC thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11/2023 cho đến khi công ty có thông báo mới.
HDTC từng là thương hiệu có tiếng ở thị trường bất động sản (BĐS) phía Nam với nhiều dự án lớn và cũng là nơi nhiều người mơ ước để được làm việc. Cùng với thời kỳ "hoàng kim" của thị trường BĐS, kết quả kinh doanh của HDTC đều duy trì doanh thu trung bình 900-1.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế khoảng 140 tỷ đồng/năm. Nhưng, kể từ năm 2022, khi thị trường BĐS gặp khó khăn cũng là lúc doanh nghiệp lâm bộc lộ nhiều điểm yếu đó là nhiều dự án đã triển khai trước đó đều dang dở và trúc trắc về pháp lý.
Câu chuyện của HDTC không phải mới, trong hơn 1 năm qua, thị trường BĐS đã chứng kiến nhiều đợt tái cấu trúc của doanh nghiệp BĐS.
Đơn cử như Đất Xanh Group, tập đoàn cũng đang cắt giảm lượng lớn nhân sự. Tính đến ngày 30/9, số lượng nhân viên của tập đoàn là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 nhân sự so với thời điểm đầu năm.
Tập đoàn này cũng đang tái cơ cấu đối với 8 công ty con, gồm: Công ty CP Đầu tư BĐS Miền Đông, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Bình Phước, Công ty CP Đầu tư Diamond Tower, Công ty CP Đầu tư Ruby Tower, Công ty CP Đầu tư Shapphire và Công ty CP Đầu tư Emerald Tower.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng ghi nhận biến động nhân sự. Đến cuối tháng 9, Phát Đạt có 254 nhân sự, giảm hơn 100 người so với kết thúc năm 2022; Khang Điền có 306 nhân viên, giảm 36 nhân sự sau 9 tháng…
Số doanh nghiệp BĐS giải thể tăng cao
Trong khi đó, chia sẻ với Nhadautu.vn, ông L.D, Giám đốc kinh doanh một công ty lớn ở thị trường Long An cho biết, năm nay là một năm quá buồn, công ty từ quy mô khoảng 500 nhân sự thì nay chỉ còn khoảng 150 nhân sự. Trong tuần này, công ty tiếp tục cắt giảm thêm 40% nhân sự. Bên cạnh đó, việc vay vốn tín dụng từ ngân hàng vẫn rất khó khăn vì điều kiện vay ngặt nghèo, lãi suất không hấp dẫn.
"Trong bối cảnh thị trường sẽ có nhiều biến động, từ nay cho đến hết năm 2023 và nửa đầu năm 2024, chiến lược kinh doanh của công ty sẽ là thận trọng, tập trung hoàn thiện pháp lý các dự án ra mắt vào năm sau, tiếp tục hoàn thiện tiện ích nội khu của các dự án đã triển khai trước đó, tăng trải nghiệm cho khách hàng…", vị này nói.
Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính nhận định, 2 quý đầu năm 2023, thị trường chứng kiến sự "ra đi" của hàng loạt doanh nghiệp BĐS. 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.
Sang quý III, tình hình sức khỏe các doanh nghiệp BĐS đã có dấu hiệu được cải thiện, tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022. 9 tháng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp BĐS giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp BĐS rời khỏi thị trường.
Riêng với các sàn giao dịch BĐS, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với hy vọng thị trường BĐS sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 1.067 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp BĐS thành lập mới đạt 3.850 doanh nghiệp, nhiều gấp 3,6 lần số doanh nghiệp lĩnh vực này rời khỏi thị trường.