Doanh nghiệp buồn vui cùng tỷ giá nửa đầu năm

Theo Ngọc Điểm/ndh.vn

Theo dự báo của chuyên gia HSBC, đồng USD sẽ còn tăng nữa trong bối cảnh Fed tăng lãi suất và các chỉ số kinh tế Mỹ khá lên.

Fed đang trên đà tăng lãi suất, các chỉ số kinh tế tăng trưởng mạnh thì không có gì có thể cản được sự tăng giá của đồng USD. Nguồn: Internet
Fed đang trên đà tăng lãi suất, các chỉ số kinh tế tăng trưởng mạnh thì không có gì có thể cản được sự tăng giá của đồng USD. Nguồn: Internet

Tính chung nửa đầu năm 2018, USD Index (đo lường giá trị đồng USD với nhóm các đồng tiền của các quốc gia hàng đầu thế giới gồm EUR, JPY, GBP, CAD, CHF và SEK) tăng 2,1%.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,1% điều đó có nghĩa là so với nhiều đồng tiền khác (tham chiếu qua USD) thì VND có mức độ giảm giá không nhiều bằng (ví như tỷ giá EUR/USD đã giảm gần 6,5% trong nửa đầu năm 2018).

Doanh nghiệp buồn vui cùng tỷ giá nửa đầu năm - Ảnh 1

Theo một báo cáo công bố đầu tháng 6, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối toàn cầu của Ngân hàng HSBC David Bloom cho rằng việc Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đang trên đà tăng lãi suất, các chỉ số kinh tế tăng trưởng mạnh thì không có gì có thể cản được sự tăng giá của đồng USD.

Cho đến cuối tháng 7, USD Index vẫn tiếp tục tăng. Trong phần lớn thời gian nửa đầu năm 2018, đồng NDT có vẻ mạnh lên so với USD nhưng từ tháng 6 đến nay lại yếu đi rất nhiều. Tính đến cuối tháng 7, tỷ giá USD/NDT đạt 6,77, tăng 4,1% so với đầu năm. Hay tỷ giá USD/JPY từng giảm 7,1% thì nay hồi phục còn giảm 1,8%.

Những diễn biến khó lường trên thị trường tiền tệ quốc tế đang có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, nhập khẩu hay có các khoản vay ngoại tệ.

Hưởng lợi lớn

Vốn là đơn vị có khoản vay ngoại tệ lớn, năm 2010, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) đã ký hợp đồng vay nợ 215,38 triệu USD và 202,6 triệu EUR. Tính đến cuối tháng 6 năm nay, NT2 còn tổng dư nợ gốc khoản vay ngoại tệ lần lượt 67,17 triệu USD và 60,6 triệu EUR. Điều này đã khiến công ty phải có những khoản lãi, lỗ tỷ giá làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính quý II, công ty có khoản lãi sau thuế 268,6 tỷ đồng, tăng trưởng 41% nhờ có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố tỷ giá. Cụ thể, tuy doanh thu quý II tăng 13% nhưng giá vốn tăng mạnh (tỷ lệ tăng giá bán điện thấp hơn giá khí) khiến lãi gộp giảm 35%. Tuy nhiên, nhờ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ mà NT2 tăng lãi ròng 41% so cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu năm, công ty lãi sau thuế 503,6 tỷ đồng, tăng trưởng 10% dẫu lãi gộp giảm 21%. Nguyên nhân là doanh thu tài chính tăng từ 32 tỷ lên 53 tỷ (hơn 20 tỷ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá) và chi phí tài chính giảm từ 290 tỷ xuống 93 tỷ đồng (riêng lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 181,3 tỷ), tức riêng chênh lệch tỷ giá đã giúp NT2 tăng lãi thêm hơn 200 tỷ đồng.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) cũng là đơn vị được hưởng lợi đáng kể từ tỷ giá khi khoản lỗ chênh lệch tỷ giá nửa đầu năm giảm từ 154 tỷ cùng kỳ năm trước xuống 28 tỷ đồng. Đồng thời sản lượng điện, giá bán điện tăng và thực hiện hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư lớn cũng là các nhân tố chính giúp công ty đạt lợi nhuận ròng lũy kế 6 tháng 715,3 tỷ đồng, tăng trưởng 20,6%.

PPC có khoản vay ngoại tệ dài hạn từ ngân hàng Nhật bằng đồng JPY (Yên Nhật) đáo hạn vào 2028, tại thời điểm 31/12/2017 giá trị khoản vay là 950 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính quý II, CTCP Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) đạt doanh thu và lợi nhuận gộp lũy kế 6 tháng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Song, chi phí tài chính giảm 16,5 tỷ, chi phí bán hàng giảm 48 tỷ và chi phí quản lý giảm gần 10 tỷ đã giúp BCC có lãi ròng 14,4 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 25 tỷ cùng kỳ năm trước.

Chi phí tài chính nửa đầu năm của BCC giảm 16,5 tỷ chủ yếu nhờ không phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 18,5 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước. Chí phí bán hàng và chi phí quản lý giảm nhờ tiết giảm chi phí vận chuyển và chi phí nhân viên.

Hụt lợi nhuận

CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) là đơn vị vừa có khoản vay bằng USD (10,66 triệu USD vay ngắn hạn, 16 triệu USD vay dài hạn), vừa có nguồn thu USD (56% doanh thu đến thì xuất khẩu). Với biến động đồng USD tăng 1,1% so với VND thì công ty chịu lỗ tỷ giá 12 tỷ nửa đầu năm 2018.

Tuy nhiên, nhờ yếu tố thị trường thuận lợi, doanh thu thuần lũy kế 6 tháng của STK tăng trưởng mạnh kéo lãi ròng đạt 83,3 tỷ đồng, tăng trưởng 70%.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II, lợi nhuận gộp CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) nửa đầu năm đạt 291 tỷ đồng, tăng 15% cùng kỳ năm trước nhưng lãi ròng của công ty lại giảm nhẹ 2 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty bị giảm lãi chênh lệch tỷ giá từ 12 tỷ xuống 5 tỷ đồng, trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá tăng từ 10,7 tỷ lên 12 tỷ đồng. Như vậy, riêng vấn đề tỷ giá khiến TCM hụt đi hơn 8 tỷ đồng lợi nhuận.

TCM cho biết kết quả kinh doanh có chịu rủi ro tỷ giá của đồng USD và EUR do các khoản phải thu, phải trả gốc ngoại tệ (gần 90% doanh số đến từ xuất khẩu). Nếu tỷ giá các đồng ngoại tệ USD so với VND tăng/giảm 5% thì lợi nhuận trước thuế của TCM sẽ giảm/tăng tương ứng 32,4 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, TCM có khoản công nợ 1,15 triệu USD.

Khi VND yếu đi thì hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mỹ hay các thị trường có đồng tiền tăng giá sẽ gặp lợi thế cạnh tranh về giá, điều này có thể giúp doanh nghiệp Việt giành được thị phần và có những lợi ích khác lớn hơn con số lãi/lỗ tỷ giá. Nhưng, với những đơn vị chuyên nhập khẩu nguyên, vật liệu hay hàng hóa thì lại là bất lợi do chi phí giá vốn tăng.