Cải tiến hiệu suất thiết bị tại doanh nghiệp bao bì nhờ áp dụng TPM

Ánh Dương

Áp dụng phương pháp quản lý TPM cũng như kết hợp áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9001:2015, 5S đã giúp doanh nghiệp sản xuất bao bì như Công ty cổ phần Đức Hiếu gia tăng đáng kể sức cạnh tranh.

 Khu vực sản xuất tại Công ty cổ phần Đức Hiếu. Ảnh: Internet
Khu vực sản xuất tại Công ty cổ phần Đức Hiếu. Ảnh: Internet

Công ty cổ phần Đức Hiếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì màng ghép phức hợp với năng lực quản trị hiện đại. Công ty tham gia chương trình TPM từ năm 2019 với 3 trụ cột tập trung chính là bảo trì tự quản, bảo trì theo kế hoạch và cải tiến có trọng điểm. 

Sau thời gian triển khai, công ty đã ghi nhận một số kết quả khả quan về nâng cao ý thức của công nhân trong quản lý thiết bị cơ bản, cải tiến thời gian chuyển đổi mã hàng tại máy in 9 màu.

Về trụ cột bảo trì tự quản, công nhân công ty bắt đầu xây dựng ý thức và kỹ năng xác định các điểm bất thường trên thiết bị, ghi chép bất thường và chủ động xử lý bất thường. Với những bất thường hoặc hư hỏng thiết bị người vận hành không tự xử lý được mới báo cáo nhân sự bảo trì xử lý.

Về trụ cột bảo trì theo kế hoạch, công ty đã thu thập dữ liệu sản xuất để tính toán được các chỉ số OEE, MTBF và MTTR. 

Về trụ cột cải tiến có trọng điểm, công ty đã và đang thực hiện một số đề tài cải tiến để giảm thời gian chuyển đổi sản phẩm tại máy in 9 màu; giảm lượng keo tồn và phải bỏ đi tại khu vực máy ghép; cải thiện dòng trao đổi thông tin giữa 3 bộ phận kế hoạch, kho và sản xuất...

Ngoài áp dụng TPM, công ty còn áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, 5S, kỹ thuật công nghệ tiên tiến... Nhờ vậy, công ty luôn tự tin có khả năng thỏa mãn hầu hết nhu cầu đa dạng của khách hàng trên toàn bộ các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, TPM là một phương pháp quản lý trong doanh nghiệp hướng đến sự đổi mới trong hoạt động bảo trì. Quy trình TPM sẽ có sự tham gia của tất cả nhân sự trong doanh nghiệp. TPM hướng đến giải quyết các nguồn gốc dẫn đến sự xuống cấp của thiết bị trong nhà máy sản xuất. Điều này được thực hiện bằng cách xây dựng mối quan hệ phù hợp giữa thiết bị và người vận hành trong hoạt động của doanh nghiệp. TPM hướng đến 4 mục tiêu: Không tồn tại sự cố sử dụng máy; không tồn tại phế phẩm; không có sự hao hụt; gia tăng ý thức và tinh thần doanh nghiệp.

 

Các lợi ích của phương pháp quản lý TPM

Lợi ích trực tiếp: Giảm lưu kho, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo dưỡng thiết bị; hạ thấp tỷ lệ tai nạn lao động; gia tăng năng suất; tăng trưởng lợi nhuận, giảm sự hao hụt và chất thải ra môi trường; giảm phế phẩm trong quá trình sản xuất.

Lợi ích gián tiếp: Cải thiện môi trường làm việc cho công nhân; gia tăng lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực và sự tự tin; gia tăng kiến thức và kỹ năng; nâng cao sự sáng tạo và tinh thần làm việc; cải thiện hình ảnh của nhà máy sản xuất.